Tham dự Hội nghị có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda và hơn 150 đại biểu của các tổ chức của Nhật Bản, như: Cơ quan xúc tiến thương mại (JETRO), Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA), Cơ quan xúc tiến du lịch (JNTO), Tổ chức hỗ trợ du học (JASSO), Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản, một số địa phương và 50 doanh nghiệp.
Phía Việt Nam là lãnh đạo UBND của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa vào Thừa Thiên- Huế, tỉnh Yên Bái, lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương.
Với tiềm năng về vị trí khi nằm giữa hai khu vực trọng điểm kinh tế miền Bắc và miền Trung, có 3 sân bay, 9 cảng biển, sở hữu tài nguyên rừng, kinh tế biển và du lịch đa dạng, Bắc Trung Bộ có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, đầu tư.
Chào mừng hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin rằng đây là cơ hội kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác, đầu tư, thương mại trên các lĩnh vực cùng quan tâm giữa chính quyền và doanh nghiệp các tỉnh, địa phương khu vực Bắc Trung Bộ với các đối tác và doanh nghiệp Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Theo báo cáo của tập đoàn McKinsey (tháng 9/2018), Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế đang nổi, có thành tích phát triển “vượt trội” trong 50 năm qua, luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao ở Châu Á -Thái Bình Dương và trên thế giới. Năm 2018, GDP của Việt Nam tăng 7,08%, cao nhất trong 10 năm gần đây.
Ðáng chú ý, trong năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam (240,5 tỷ USD), đứng thứ 44 trên thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 theo sức mua tương đương. GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD (khoảng 7.0 USD theo sức mua tương đương). Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/1 lên vị trí 55/137 nền kinh tế), môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 69/190 nền kinh tế).
Nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, rộng với thế giới khi đang thực hiện cam kết của 12 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Nhật Bản cũng là một thành viên.
Hiện nay có gần 26.000 doanh nghiệp FDI đến từ 130 quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD. Việt Nam từng bước trở thành một trong những công xưởng của thế giới về cung ứng hàng điện tử, dệt may, da giầy, điện thoại di động. Khách quốc tế ước đạt trên 15 triệu lượt, tăng 1,9 lần so với năm 2015, Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
“Trong những thành quả chúng tôi đạt được, có sự giúp đỡ và đóng góp to lớn của bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó Nhật Bản là một người bạn, một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng khi trong 2 năm qua, Nhật Bản đã lấy lại vị trí số 1 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (năm 2017 là 9,1 tỷ USD và 2018 là 8,6 tỷ USD).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thêm, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tổng kết và xây dựng chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong giai đoạn tới, tầm nhìn tới 2045; trong đó, trọng tâm là chuyển từ thu hút, sử dụng sang chủ động hợp tác, đầu tư với các đối tác nước ngoài, chuyển từ thu hút FDI trên diện rộng sang trọng tâm, trọng điểm, có giá trị cao, phù hợp với cơ cấu lại kinh tế trong nước và kết nối với nền kinh tế, các doanh nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các kế hoạch tài trợ ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam thời gian tới sẽ được tích hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Phó Thủ tướng tin tưởng hai bên có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giáo dục, hợp tác nguồn nhân lực và du lịch.
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Thu hút FDI và ODA không “dẫm chân” lên nhau trong hoạch định chính sách đầu tư ở khu vực Bắc Trung Bộ và kết nối hành lang Đông- Tây. Các địa phương, đối tác cần lựa chọn các công trình ưu tiên có tính quốc gia, liên vùng vì lợi ích chung của cả nước, khu vực và phát huy lợi thế có tính cạnh tranh của khu vực và từng tỉnh. Không phải chỉ tập trung cho lợi thế của tỉnh mình mà quên đi lợi ích của vùng. Đây là yêu cầu không chỉ cho Bắc Trung Bộ mà đối với cả các vùng khác của cả nước”.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam và các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ luôn hoan nghênh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác Nhật Bản mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác, đầu tư kinh doanh tại khu vực này. Các địa phương Bắc Trung Bộ cần tích cực đổi mới, sáng tạo hơn để tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản thiết thực, hiệu quả, có chính sách đáp ứng tốt hơn nữa mong muốn của các đối tác Nhật Bản, đưa khu vực Bắc Trung Bộ thực sự trở thành điểm đến hứa hẹn, hấp dẫn với du khách, doanh nghiệp và các nhà đầu tư Nhật Bản.
Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo và doanh nghiệp của 6 tỉnh trong vùng sẽ tìm được các đối tác tốt từ phía Nhật Bản, tổng hợp và đề xuất các khó khăn trong thực thi thể chế để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn đầu tư.
Tại hội nghị, ông Kunio Umeda, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị này là cơ hội đối với các tổ chức và doanh nghiệp của Nhật Bản trong mục tiêu chung thúc đẩy quan hệ toàn diện, sâu rộng giữa hai quốc gia.
Đại sứ cho rằng: CPTPP là một biểu hiện thành công trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia trong những năm qua và Việt Nam đang tận dụng cơ hội lịch sử từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển bền vững và trở thành một nước mạnh. Lòng tin lẫn nhau giữa lãnh đạo quốc gia, các địa phương và nhân dân hai nước là cơ sở quan trọng để mối quan hệ hợp tác toàn diện, trong đó có thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
“Nhật Bản chú trọng quan tâm tới dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam và đường bộ cao tốc nối Bắc miền Trung tới Vientine (Lào) để tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam. Chúng tôi không chỉ muốn có các trọng điểm đầu tư, thương mại ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả các địa phương khác, trong đó có cả Bắc Trung Bộ”, ông Kunio Umeda nhấn mạnh.
Để bảo đảm tăng cường hợp tác, Đại sứ Kunio Umeda cho rằng hai quốc gia tiếp tục củng cố niềm tin, hợp tác nguồn nhân lực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, du lịch, giáo dục đào tạo và lao động.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Qua ba phiên làm việc, nội dung thảo luận có trọng tâm trọng điểm, phù hơp với nhu cầu các địa phương khu vực Bắc Trung bộ, thế mạnh của các cơ quan Trung ương, địa phương Nhật Bản. Những lĩnh vực tập trung thể hiện tại hội nghị thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 bên trong thời gian tới, tập trung lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kết nối giữa các địa phương Bắc Trung bộ với các tỉnh khác, hành lang kinh tế Đông Tây.
Kết quả hội nghị thể hiện sự chu đáo, năng lực hợp tác của các địa phuương và cơ quan Trung ương trong hợp tác nói chung, Nhật Bảnn nói riêng. Đây là cơ sở tốt để mở rộng hợp tác trong thời gian tới, vì vậy các địa phương cần có chính sách, kết hoạch hợp tác phù hợp