Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Trực tiếp truyền đạt các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Tại các buổi gặp mặt và làm việc với Hội Người cao tuổi và đại biểu người cao tuổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh vai trò, vị thế của người cao tuổi và khẳng định “Người cao tuổi là của quý vô giá, nguồn lực quý của dân tộc, được kính trọng và tôn vinh”.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho người cao tuổi, phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, uy tín của người cao tuổi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; đề nghị người cao tuổi, nhất là đảng viên cao tuổi nêu cao tinh thần gương mẫu, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng; tuyên truyền nhân dân, động viên con cháu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương sẵn sàng đồng hành với các hoạt động của Hội và đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Ban Tuyên giáo, các ban, ngành, đoàn thể địa phương phải quan tâm chỉ đạo công tác người cao tuổi, hỗ trợ hoạt động Hội; bảo vệ, chăm sóc toàn diện cả về vật chất, tinh thần, sức khỏe; nhân rộng mô hình trung tâm chăm sóc người cao tuổi, để người cao tuổi được sống vui, khỏe, hạnh phúc, tăng tuổi thọ.
Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ tóm tắt bài phát biểu và những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt đại biểu dự Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam; quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Trương Xuân Cừ cho biết: Cả nước có trên 9,7 triệu hội viên người cao tuổi, sinh hoạt tại 88.412 chi hội, 10.614 Hội người cao tuổi cơ sở, 705 Hội cấp huyện, 63 Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, thành phố. 13 tỉnh, thành phố, 127 quận, huyện, thị xã hoạt động theo mô hình Hội có Ban Chấp hành. 50 tỉnh, thành phố và 589 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoạt động theo mô hình Ban đại diện; 100% cơ sở xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội hoạt động theo quy định của Điều lệ Hội.
Hội phối hợp rà soát, tham mưu, hoàn thiện hồ sơ để 3,2 triệu người cao tuổi được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; 800 nghìn người cao tuổi hưởng chế độ người có công; 1,9 triệu người cao tuổi hưởng bảo trợ xã hội hằng tháng; trên 10.000 người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội. Mỗi năm có trên 1,1 triệu người cao tuổi được mừng thọ, trong đó trên 6,5 nghìn cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà mừng thọ; có 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ...
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho cho biết, đa số cán bộ, hội viên người cao tuổi các địa phương rất phấn khởi khi ngay từ đầu nhiệm kỳ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi; tạo động lực để triển khai hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Lập, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam sớm nhất trong cả nước. Đến nay, tất cả 22 quận, huyện đã triển khai xong và đang triển khai ở cấp cơ sở xã, phường. Thành phố đã xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và nhân rộng các mô hình tốt trong năm 2022 và những năm tiếp theo…
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình nhắc lại vai trò của người cao tuổi trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi, ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đề nghị các cấp Hội xây dựng, triển khai chương trình hành động trên cơ sở bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách về người cao tuổi mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định; các nhiệm vụ Chính phủ giao và một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước, các địa phương những chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác người cao tuổi; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên của Hội có uy tín, trách nhiệm cao; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, nhu cầu của người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, hoàn cảnh khó khăn; phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các vụ việc ngược đãi, bạo hành người cao tuổi…