"Đường lớn” đã mở
Việt Nam là nước đang phát triển nên việc đẩy nhanh xây dựng hạ tầng giao thông có ý nghĩa “mở đường”, “dẫn lối”.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông sẽ giúp cho nền kinh tế tối ưu hóa các nguồn lực, tận dụng được lợi thế so sánh giữa các vùng, miền trong sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Từ đó, nền sản xuất hàng hóa sẽ có cơ hội phát triển thông qua hệ thống trao đổi và phân phối.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, hạ tầng giao thông có tác động lan tỏa lớn, mức độ tác động từ 1,26 - 1,4 lần. Có nghĩa rằng đầu tư 1 đồng cho giao thông thì sau đó chúng ta có thể thu về 1,25 - 1,4 đồng và tác động đến mọi lĩnh vực, từ bất động sản đến giáo dục, văn hoá...
Những địa phương có hệ thống đường giao thông thuận lợi luôn thu hút được nhiều vốn đầu tư để xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, kéo theo sự phát triển của các địa phương láng giềng. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có “trục phát triển” Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có Đà Nẵng - Bình Định; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai…
Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều dự án hạ tầng giao thông được triển khai đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn thấy cơ hội lớn ở thành phố Cần Thơ, đô thị trung tâm của Vùng.
Ông Shiraishi Hideyuki, đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Cần Thơ có đầy đủ tiềm năng để tăng cường mối quan hệ về mặt kinh tế với Nhật Bản. Trước đây, từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Cần Thơ phải mất khoảng 4 giờ chạy xe, nay chỉ còn 2 giờ rưỡi, như vậy là khả năng tiếp cận đã được cải thiện. Việc vận chuyển sản phẩm từ Cần Thơ tới các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dễ dàng hơn, khả năng mở rộng thương mại dịch vụ với thị trường này sẽ tăng lên.
Trong năm 2023 Chính phủ đã ưu tiên vốn đầu tư ngân sách để xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, cả về đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, cảng hàng không.
Đầu năm, đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam được khởi công, đến giữa năm có 9 dự án giao thông được khánh thành, vào cuối năm đồng loạt 4 dự án nữa được xây dựng xong. Có 475 km đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc được khai thác là 1.892 km.
Cũng trong năm qua ngành giao thông khởi công 3 cao tốc theo trục Đông - Tây, 2 đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, nhà ga hành khách T3 thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Bên cạnh đó, nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vĩnh Tuy 2… cũng đã được đưa vào sử dụng.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2023 hàng loạt đoạn cao tốc trên tuyến cao tốc phía Đông hoàn thành, đã tạo cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) và Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) đưa vào sử dụng đã kích hoạt lĩnh vực du lịch cho khu vực. Cao tốc Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) và QL45 - Nghi Sơn đưa vào vận hành đã tạo nên sức bật lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và những địa phương lân cận.
Hiện tại, Việt Nam có tổng chiều dài đường bộ là gần 6 triệu kilomet. Trong đó, đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25,6 nghìn kilomet; mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga; 34 cảng biển được phân thành loại đặc biệt là (cảng Hải Phòng và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu), 11 cảng biển loại I; 7 cảng biển loại II và 14 cảng biển loại III; 22 cảng hàng không vói 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa.
Cánh cửa dẫn vào năm 2024
Theo con số thống kê, trong năm 2023 ngành giao thông - vận tải đã đạt được các điểm sáng, tạo tiền đề thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2024:
Hoạt động vận tải có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng hành khách, hàng hóa đều tăng so với năm 2022 - vận tải hàng hóa trong 11 tháng năm 2023 ước đạt 2.062 triệu tấn, tăng 12,9% so với năm 2022; vận chuyển hành khách trong 11 tháng năm 2023 ước đạt 4.203 triệu lượt khách, tăng 11,5% so với năm 2022.
Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá: Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá. Tiếp nối thành tích ấn tượng của năm qua, vào năm 2024 Bộ đề ra mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh, Cam Lâm (Khánh Hòa - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Như vậy, tổng số chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được đưa vào khai thác sẽ là 2.021km, gồm 129km cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và 1.892km cao tốc đã được đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện các dự án giao thông lớn của đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính theo dõi thường xuyên, luôn chỉ đạo, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm có vai trò kích thích sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngày 7/12/2023 Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 509/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Thủ tướng đồng thời là Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quyết định bổ sung 8 dự án vào danh mục dự án của Ban Chỉ đạo, nâng số dự án, dự án thành phần lên thành 86 dự án/dự án thành phần; các dự án qua 45 tỉnh, thành phố, trải dài, đồng đều khắp các vùng miền của đất nước.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhằm thực hiện thành công Nghị quyết đại hội XIII của Đảng về đầu tư xây dựng hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc.
Thủ tướng có không dưới 10 chuyến công tác chuyên đề để thúc đẩy giải ngân đầu tư công và gỡ nút thắt về thể chế cho đường cao tốc với mục đích là các dự án giao thông được thực hiện thông suốt, kịp thời.
Mới đây nhất, ngày 1/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TTg về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông. Trong Công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tinh thần sôi sục tại các công trường làm đường cao tốc - "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án.
Công điện nêu rõ, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Với tinh thần: "tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì sự phát triển hùng cường của đất nước", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật, công nhân... trên các công trường tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường và đồng thời sớm hoàn thành thủ tục, khởi công thêm các dự án mới các dự án, công trình hạ tầng giao thông.