Trong 3 ngày từ 16 – 18/6, hơn 40 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ được phổ biến những kiến thức chung về BĐKH, các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH trên thế giới, tình tình tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Đồng thời, một số nhà báo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu cũng tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giúp các đại biểu tham gia nâng cao kỹ năng tác nghiệp. Ngoài ra, các phóng viên sẽ đi thực địa tại xã Giao Hải, huyện Giao Thủy (Nam Định), thăm quan mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và buổi diễn tập phòng chống rủi ro thiên tai của người dân.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh: Báo chí là lực lượng quan trọng giúp truyền tải thông tin, phản biện xã hội và định hướng nhận thức về môi trường và BĐKH. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh khách quan, phong phú, sinh động, đa chiều các vấn đề môi trường hiện nay, hỗ trợ rất lớn trong công tác quản lý Nhà nước và nâng cao nhận thức cho người dân.
Dưới những tác động của con người, biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp. |
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới do đặc điểm vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và phân bổ dân cư. Mức độ dễ bị tổn thương của Việt Nam ngày càng tăng lên trong bối cảnh kinh tế phát triển nóng, và phải đối mặt với thách thức về ô nhiễm môi trường.
Ông Todd Raymond Johnson, Cố vấn về Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu, Vụ Châu Á của USAID, báo chí có vai trò quan trọng giúp các cộng đồng và xã hội hiểu tác động của BĐKH và những tác động này có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế và xã hội.
“Thông qua hội thảo này, chúng tôi hy vọng các nhà báo sẽ học hỏi và chia sẻ những ý tưởng làm thế nào có thể giúp nâng cao nhận thức và tạo cảm hứng để những người dân bình thường cũng tham gia cùng nhau xây dựng các cộng đồng bền vững trước tác động của BĐKH”, ông Todd Raymond Johnson nhấn mạnh.