Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng như nhiều hội đoàn, cá nhân người Việt ở Đức đã lập tức vào cuộc để hỗ trợ bà con, đặc biệt là trong công tác bảo hộ công dân.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngay khi nhận được tin có người Việt sơ tán sang Đức, Đại sứ quán đã cử cán bộ tới Nhà ga chính Berlin và Trung tâm thương mại (TTTM) Đồng Xuân để tìm hiểu tình hình và trò chuyện trực tiếp với các cá nhân, gia đình người chạy nạn. Qua chia sẻ, bà con chủ yếu có nhu cầu tìm được chỗ ở tạm thời và được hướng dẫn làm thủ tục vào các trại tị nạn. Ngoài ra, bà con cũng muốn được cung cấp thông tin về các quy định, thủ tục của Đức đối với người lánh nạn từ Ukraine và sớm có hộ chiếu, giấy tờ cần thiết cho việc tạm trú tại Đức.
Trên cơ sở đó, Đại sứ quán đã thành lập nhóm phản ứng nhanh để xây dựng phương án kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời phối hợp với Tổng lãnh sự quán tại Frankfurt trong các vấn đề liên quan. Đại sứ quán cũng đã đăng tải thông tin và cập nhật thường xuyên các quy định, thủ tục của Đức đối với người sơ tán từ Ukraine trên trang chủ của Đại sứ quán cũng như trên các báo cộng đồng để lan tỏa thông tin. Ngoài ra, Đại sứ quán cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng và cắt cử cán bộ có kinh nghiệm túc trực để kịp thời hướng dẫn, trợ giúp bà con. Cho tới nay, nhiều bà con sơ tán đã được tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục, giấy tờ liên quan.
Đối với phía Đức, Đại sứ quán đã gửi công hàm lên các cơ quan liên bang như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các địa phương tiếp nhận nhiều người Việt như Berlin, Leipzig (bang Sachsen), Eisenhüttenstadt (bang Brandenburg) đề nghị cung cấp thông tin và hỗ trợ cho bà con người Việt sơ tán từ Ukraine. Đại sứ quán cũng đã thông báo đầu mối cho các cơ quan và địa phương của Đức để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh và giải quyết vướng mắc cho bà con. Thành phố Eisenhüttenstadt đã đồng ý thu xếp cho Đại sứ quán tới thăm hỏi và động viên người Việt sơ tán vào tuần tới.
Đối với cộng đồng người Việt tại Đức, Đại sứ quán đã chủ động kết nối và trao đổi với các hội đoàn, tổ chức và cá nhân có điều kiện hỗ trợ bà con như TTTM Đồng Xuân, Hội Phụ nữ Đồng Xuân Berlin, Nhóm Bác sỹ Mai Thy, Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin… Đại sứ quán đóng vai trò là cầu nối và điều phối hoạt động của các hội đoàn này để lập danh sách những tổ chức và cá nhân có thể giúp đỡ bà con sơ tán về nơi ăn chốn ở; đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin và tư vấn về hoạt động cứu trợ cho các hội đoàn theo đúng quy định của luật pháp sở tại. Đại sứ quán cũng đã huy động Hội sinh viên, các em học nghề, tình nguyện viên giúp bà con làm thủ tục đăng ký nhập trại tị nạn. Nhiều cá nhân, hội đoàn ở Đức cũng đã có nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ cho bà con sang lánh nạn.
Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, trước tình hình số bà con người Việt sang lánh nạn tại Đức ngày càng tăng, Đại sứ quán sẽ tăng cường trao đổi với các cơ quan trung ương và địa phương của Đức đề nghị hỗ trợ cho bà con và tạo thuận lợi tối đa về thủ tục giấy tờ cho bà con trong lúc khó khăn. Đại sứ quán cũng sẽ tiếp tục đồng hành với các hội đoàn và phát huy vai trò điều phối trong các hoạt động thiện nguyện hướng tới bà con người Việt sơ tán từ Ukraine.
Theo số liệu được Bộ Nội vụ Đức công bố ngày 18/3, đến nay nước này đã tiếp nhận khoảng 197.000 người sơ tán từ Ukraine. Trong số này có nhiều người Việt có quy chế cư trú tại Ukraine hoặc mang hộ chiếu Ukraine. Số bà con sơ tán sang Đức chủ yếu đi thành các nhóm nhỏ dưới 20 người, vào Đức bằng tàu hoặc phương tiện cá nhân.