Ngày 30/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12/2014 nghe và thảo luận về: Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ quý I/2015 và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ năm 2015; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Báo cáo việc sử dụng các chỉ tiêu giảm nghèo, việc làm và lao động qua đào tạo trong kế hoạch 2016-2020… Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Yotsuba Dress Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật Bản), tạo việc làm cho hơn 700 lao động. Ảnh: Danh Lam-TTXVN |
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhận định, công tác xây dựng luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; chất lượng văn bản ngày càng được nâng lên, bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản; số lượng văn bản nợ đọng đã giảm xuống thấp nhất từ trước tới nay.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trong công tác xây dựng luật, pháp luật; những cái đã có trong chương trình, phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian quy định; hết sức cố gắng để không có điều luật nào mà tính khả thi không cao. Khi xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phải nghiên cứu, đánh giá cho kỹ về các tác động xã hội; khi đã được đưa vào chương trình phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Luật nào, thuộc bộ, ngành nào chủ trì xây dựng cũng phải luôn quan tâm đến yêu cầu hàng đầu là đảm bảo tiến độ thời gian, bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi. Đối với mảng Nghị định, Thông tư, các bộ chủ trì cũng phải hết sức quan tâm bảo đảm tiến độ về thời gian, chất lượng; các bộ, ngành được xin ý kiến cũng phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp, đóng góp ý kiến”.
Cũng trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh, theo Nghị quyết của Chính phủ, trong quý I/2015, dự án Luật Biểu tình phải được trình Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự luật này xin rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, do biểu tình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên cần có thêm thời gian để khảo sát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Sau các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình và quyền này do luật quy định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định. Hiến pháp cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật này cần nghiên cứu kỹ và chỉ xin lùi thời điểm trình dự án luật bởi việc xây dựng luật này đã được Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định. Hơn nữa, việc xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình phải có đủ lý lẽ thuyết phục và phải có đủ cơ sở.
Liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ như Nghị quyết 19 đề ra. Một số bộ, cơ quan đã chủ động thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết nhưng do thời gian thực hiện còn ngắn nên kết quả chưa thực hiện rõ ràng.
Ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ nhận định, xuất phát từ yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; yêu cầu hội nhập,… cần tiếp tục thực hiện nhất quán Nghị quyết số 19 và phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện thường xuyên, liên tục.
Khẳng định sự kiên định thực hiện Nghị quyết số 19, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng: “Kiên định làm cái này, không phải tốn kém đầu tư tiền bạc lớn, nhưng có hiệu quả tức thì, tạo ra môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cho quốc gia, đất nước”.
Thủ tướng yêu cầu, để hoàn thiện Nghị quyết số 19, sau phiên họp sẽ ban hành một Nghị quyết mới trên cơ sở nội dung của Nghị quyết 19, trong đó phải chỉ rõ những việc cần thực hiện.
“Cố gắng chỉ rõ bộ nào làm cái gì, giảm cái gì, bỏ cái gì, sửa cái gì,… phải cụ thể như thế thì mới được. Phải cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, coi đây là một trọng tâm công tác và phải thực sự tạo được chuyển biến, dấu ấn rõ nét trong năm 2015”.
Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần hết sức quan tâm tập trung bổ sung, sửa đổi cơ chế, thể chế, văn bản quy định; từng bộ, ngành phải thực sự “xông vào” rà soát, đề xuất; đi liền với đó là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nhà nước, qua đó góp phần giảm biên chế, giảm tiêu cực, giảm thời gian…
Thủ tướng cũng nêu rõ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tại các phiên họp thường kỳ tới đây, Chính phủ sẽ kiểm điểm, đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, ngay trong đầu năm tới, kết quả chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương sẽ được công bố công khai để các bộ, ngành, địa phương tự sửa chữa, khắc phục.
Thiện Thuật (TTXVN)