Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn. Quốc hội đã phê duyệt tổng nguồn vốn hơn 137 ngàn tỷ đồng để thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng và các Chương trình MTQG trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 nói chung; công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; việc lồng ghép nguồn lực của địa phương, đặc biệt là lồng ghép trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội.
Hội thảo cũng làm rõ bên cạnh việc củng cố hạ tầng thiết yếu thì phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh trong khu vực cần quan tâm nhiều hơn tới việc đẩy mạng việc tổ chức sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng với hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu sẽ là những hướng đi cần được quan tâm…