Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương nghe và cho ý kiến về kiểm điểm, đánh giá tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Báo cáo kết quả Cuộc kiểm tra thứ tư năm 2022 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh ủy Hải Dương quán triệt, triển khai một số Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị gồm: Nghị quyết số 10-NQ/TW về về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã thống nhất, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 -NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội chung của toàn tỉnh. Nông nghiệp Hải Dương đã phát triển mạnh về quy mô và trình độ sản xuất, trở thành một trong 4 trụ cột của nền kinh tế; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng; tăng tỷ lệ cơ giới hóa. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tham gia phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Ngày 16/3/2022, Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và trở thành tỉnh thứ 5 trong toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Hải Dương thẳng thắng nhìn nhận, nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa bền vững, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết; cơ giới hóa nông nghiệp chưa đồng bộ. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm nhất là khẩu bảo quản và chế biến sâu; xây dựng thương hiệu mạnh còn ít; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế…
Để khắc phục các hạn chế, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần, vai trò, vị thế của nông dân và cư dân nông thôn cũng như phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ nay đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu đạt một số mục tiêu như: Tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản bình quân từ 2,5 - 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân trên 6%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Tỉnh phấn đấu 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là trên 50%; thu nhập của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Hải Dương phấn đấu tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%...
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương Lê Văn Hiệu đề nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh và phải gắn với quy hoạch tỉnh, gắn với các Đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tập trung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Ông Lê Văn Hiệu lưu ý, khi thực hiện cần phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm), giao rõ trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân liên quan; hàng năm phải tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện chương trình.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết và các chỉ tiêu, Hải Dương đã đặt ra 10 nhiệm vụ và các giải pháp thiết thực để thực hiện. Theo đó, tỉnh tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực làm chủ của người nông dân, người dân khu vực nông thôn; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao cho nông dân; bảo đảm bình đẳng giới; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp... Hải Dương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Đồng thời, tỉnh tiếp tục bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Hải Dương hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với lợi ích của người dân; tiếp tục thực hiện hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.
Tỉnh tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa, khắc phục tình trạng bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả; giữ ổn định diễn tích đất trồng lúa, đất rừng... Đặc biệt, Hải Dương đổi mới hình thức đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho lao động trẻ nông thôn. Tỉnh xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, cảnh báo thông tin về thị trường các nông sản chủ lực; hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và người nông dân...