Tập trung xây dựng hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (gọi tắt là Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia).

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối”. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Cụ thể, tại quyết định số 186/QĐ-BTTT ngày 11/2/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra 3 mục tiêu cụ thể cho Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia. Thứ nhất, chương trình hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thứ hai, chương trình tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam, mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở. Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo lập được một số nền tảng số Việt Nam xuất sắc đủ sức cạnh tranh với các nền tảng số phổ biến quốc tế, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, từ đó vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Cũng trong quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm Danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gồm 2 phần. Phần thứ nhất là 20 nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội.

Các nền tảng gồm: Điện toán đám mây Chính phủ; Địa chỉ số; Bản đồ số; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (Moocs); Nền tảng hóa đơn điện tử; Nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng trạm y tế xã; Nền tảng phát thanh số (trực tuyến); Nền tảng truyền hình số; Nền tảng bảo tàng số và Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân.

20 nền tảng trên do các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài Nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan chủ quản, đầu mối liên hệ là các đơn vị hoặc doanh nghiệp trực thuộc.

Phần thứ 2 là 15 nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội. Các nền tảng này gồm: Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp; Trí tuệ nhân tạo; Trợ lý ảo; Thiết bị internet kết nối vạn vật (IoT); Họp trực tuyến thế hệ mới; Mạng xã hội thế hệ mới; Sàn thương mại điện tử; Đại học số; Quản trị tổng thể; Kế toán dịch vụ; Quản trị và kinh doanh du lịch; Quản trị và kinh doanh vận tải; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); Nền tảng trung tâm giám sát và điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) và Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Đồng thời, Bộ thông tin và Truyền thông cũng xác định tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về nền tảng số quốc gia bằng nhiều hình thức, trên nhiều loại phương tiện truyền thông đại chúng. 

Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời tổ chức xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số quốc gia (National Digital Plaforms) để cung cấp thông tin, thúc đẩy phát triển, hỗ trợ sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

Ngọc Bích (TTXVN)
Năm 2022, ngành Bưu điện tập trung vào 3 đề án thuộc nền tảng số quốc gia
Năm 2022, ngành Bưu điện tập trung vào 3 đề án thuộc nền tảng số quốc gia

Ngày 8/2, theo thông tin từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng mạnh trên cả nước, đặc biệt là nhu cầu chuyển phát hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN