Ai cũng hiểu, mảnh đất phương Nam của Tổ quốc đang bước vào những ngày quyết định. Hơn lúc nào, Nam Bộ cần lắm sự ủng hộ, giúp đỡ cả về nhân lực, vật chất lẫn tinh thần của cả nước để vượt qua cuộc chiến gian nan này. Cũng chỉ khống chế được đại dịch ở miền Nam mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước.
Thế nên, tất cả vì Nam Bộ ruột thịt, vì TP Hồ Chí Minh thân yêu!
Như câu nói tình nghĩa của bác sỹ Đỗ Trung Thành, Lớp Chuyên khoa I Tai Mũi Họng khóa 45, Hệ 1 (Hệ sau đại học) của Học viện Quân y hôm 21/8 trên đường ra sân bay Nội Bài để vào Nam chống dịch COVID-19: “Vì miền Nam đang cần chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết tâm sức của những y, bác sĩ áo lính, cùng chung niềm tin chiến thắng đại dịch”.
Xung kích vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam lần này, cùng quyết tâm và chiếc ba lô quân trang, bác sỹ Đỗ Trung Thành đem theo những lời gửi trao, động viên của vợ và đồng nghiệp trong đơn vị. Vợ anh, Đại úy Nguyễn Thùy Linh hiện công tác tại một đơn vị thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng. Chị đang mang bầu tháng thứ 6 và vừa phải đi làm, vừa chăm sóc con nhỏ hơn một tuổi. Nhưng chị thấu hiểu nhiệm vụ và quyết tâm của chồng…
Quyết tâm của bác sỹ Đỗ Trung Thành cũng là tâm ý của những người thầy thuốc ở Học viện Quân y cùng anh lần này vào tiếp sức cho Nam bộ. Họ gồm 295 thành viên, tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động với nhiệm vụ tới từng tổ dân phố hỗ trợ công tác y tế. Họ sẽ sát cánh với lực lượng quân y đang tham gia chống dịch tại thành phố mang tên Bác với tổng số gần 2.300 cán bộ, nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ ở 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông thuộc Quân khu 7 và Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175.
Ngoài lời thề Hippocrates thiêng liêng, tình thương “lương y như từ mẫu” mà Bác Hồ đã dạy, thì nhiệt huyết, tinh thần và quyết tâm của những người thầy thuốc này nằm gọn trong 7 chữ: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Thời điểm cấp bách này không chỉ có tinh thần xung kích của những người thầy thuốc quân y. Từ ngày 1/7 đến ngày 21/8, đã có 14.534 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y vào miền Nam. Mới đây là thêm 2.000 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 5, Quân khu 7; 48 cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; 1.500 giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai (Hà Nội); 310 cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên và lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông gấp rút vào tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và gần 200 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ tăng cường cho Công an tỉnh An Giang. Rồi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã huy động hàng trăm y, bác sĩ, hàng ngàn tấn hàng hóa chi viện cho miền Nam.
Vào tâm dịch, các lực lượng đều hiểu tình hình phức tạp tại vùng dịch bệnh nguy hiểm nhất cả nước hiện nay, nơi mỗi ngày có tới hàng ngàn ca nhiễm mới. Sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đạt kết quả nhất định song vẫn chưa như mong muốn. Nơi đây cần tiếp tục tập trung các giải pháp kiểm soát dịch bệnh quyết liệt hơn nữa. Trong khi đó, giãn cách xã hội đã kéo dài mà nguồn lực con người, vật chất đều có hạn. Rất nhiều sức ép lên cuộc sống của người dân trong những "vùng đỏ", "vùng cam". Nhu cầu cần được giúp đỡ của người dân, đặc biệt là tại 24 tỉnh, thành phố gặp khó khăn do dịch bệnh, là rất lớn.
Vì vậy, nhiệm vụ của các lực lượng tăng cường cho miền Nam là chặt đứt nguồn lây nhiễm của biến thể Delta trong cộng đồng; giúp người dân ổn định cuộc sống…
Ai cũng đều nhận thức, đây không chỉ là sứ mệnh, nhiệm vụ mà còn là nghĩa cử, là ân tình sâu nặng đối với đồng bào Nam Bộ. Và cũng như họ, người dân cả nước đang một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, TP Hồ Chí Minh thân yêu. Trong gian khó, tình cảm đó, nghĩa đồng bào đó bùng lên mạnh mẽ như cách đây hơn 75 năm trước, khi Nam Bộ chống thực dân Pháp, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ” và Người trao tặng đồng bào, chiến sĩ miền Nam danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Đấy cũng là lúc cả nước hướng vào Nam, chia lửa cùng nhân dân “Đất thép Thành đồng” chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ.
Tất cả đều xuất phát từ truyền thống đoàn kết, yêu thương, sẻ chia của con người Việt Nam: "Người trong một nước phải thương nhau cùng"!
Những nguồn sức mạnh, động lực, niềm tin từ cả nước đang tập hợp hướng về chi viện cho “Thành đồng Tổ quốc”. Mảnh đất phương Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh thân yêu đang bước vào những ngày quyết định. Với tinh thần “tương thân, tương ái” và tất cả vì miền Nam ruột thịt, tin rằng trong cuộc chiến gian nan với đại dịch COVID-19, sẽ như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được bình yên, cả nước sẽ bình yên”.