Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 26/8, ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, thạc sĩ thi trượt viên chức trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là đáng tiếc.
Lãnh đạo Sở GD ĐT thông tin tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội 26/8 |
Căn cứ biên chế được UBND TP Hà Nội giao năm 2014, Sở GD-ĐT đã thành lập Hội đồng tuyền dụng viên chức cho các đơn vị trực thuộc Sở, với tổng số 2.630 thí sinh dự tuyển. Kết quả, 264 thí sinh đã trúng tuyển viên chức với 6 trường hợp xét tuyển đặc cách là thủ khoa các trường đại học và đã nhận nhiệm vụ tại các trường từ ngày 1/7/2014, đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới.
“Về trường hợp thầy giáo Đặng Minh Tuấn dạy hợp đồng tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, có nhiều thông tin chưa chính xác. Theo hồ sơ nộp tại Sở GD - ĐT thì thầy giáo Đặng Minh Tuấn có bằng thạc sĩ chứ không phải bằng tiến sĩ như báo chí đưa tin. Thầy Tuấn trượt kỳ thi viên chức là đáng tiếc, nhưng theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, thì thầy Tuấn không thuộc đối tượng được ưu tiên. Theo quy định hiện nay, việc tuyển giáo viên phổ thông lấy chuẩn đầu vào là đại học. Nếu là tiến sĩ, chỉ khi nào xếp lương sẽ được ưu tiên bậc 3, thạc sĩ bậc 2. Việc xét tuyển đặc cách, ưu tiên là phải đỗ thủ khoa được thành phố tuyên dương. Còn đã thi tuyển, việc xét tuyển lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp”, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết.
Do trường chuyên Hà Nội – Amsterdam là trưởng điểm của Hà Nội nên thi tuyển gồm có 2 phần xét hồ sơ, thi thực hành. Việc tính điểm dựa trên tổng điểm học tập và bài thực hành. “Ứng viên vào trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, ngoài soạn giáo án cho 1 tiết lên lớp, sẽ có thêm phần làm đề bài nâng cao thường ở mức độ khó như thi học sinh giỏi cấp thành phố hoặc quốc gia. Điểm thi ứng viên này chỉ đạt 60/100. Theo quy định của Nghị định 29 của Chính phủ năm 2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lí viên chức, những người có bằng như ứng viên này không có ưu tiên gì”, ông Nguyễn Quang Tuấn thông tin thêm.