Ông Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình trả lời chất vấn về vấn đề này, xác nhận hiện nay trên địa bàn các huyện, thành phố vẫn diễn ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất đai trái phép và các cấp chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, mặc dù tỉnh đã có nhiều chỉ thị, chỉ đạo, yêu cầu UBND cấp huyện, xã, các ngành tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm. Trong quá trình thực hiện các hồ sơ chuyển đổi mục đích, nhất là quy hoạch dân cư, phục vụ nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Sở thường yêu cầu các xã phải hoàn thiện thủ tục cho các công trình. Sở cũng đã thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, hộ gia đình theo thẩm quyền và cấp huyện cũng đã kiểm tra nhiều, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra...
Năm 2019, qua thanh tra, kiểm tra tại 6 huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, rà soát báo cáo của các huyện và phát hiện trên 800 trường hợp vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất đai trái phép trong giai đoạn từ 2015 - 2018, với diện tích trên 60 ha. Ngoài ra, trong quá trình rà soát 861 công trình, dự án dự kiến sẽ chuyển đổi và thu hồi đất trong năm 2020 phục vụ các dự án công cộng trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện 130 công trình vi phạm, trong đó sai phạm chủ yếu do UBND cấp xã vi phạm trong chấp hành thủ tục pháp lý về đất đai.
Nguyên nhân của các vi phạm nói trên là do việc hiểu và chấp hành pháp luật của các gia đình, tổ chức, cá nhân trong sử dụng đất còn yếu kém. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp huyện, cấp xã, bộ phận chuyên môn còn bị buông lỏng, chưa kịp thời xử lý các vi phạm và việc xử lý của các cấp chính quyền chưa kiên quyết, mới chỉ dừng ở việc lập biên bản đình chỉ hay quyết định xử phạt hành chính, chưa tiến hành các biện pháp cưỡng chế buộc khôi phục tình trạng ban đầu.... Nghị định 102 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa phủ kín các việc xử lý vi phạm nên cũng khó khăn trong quản lý.
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cho rằng, để xảy ra những vi phạm nói trên, trách nhiệm trước hết thuộc UBND cấp xã, cán bộ chuyên môn từ xã đến huyện, tỉnh chưa kịp thời phát hiện và xử lý không kiên quyết. Song Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cũng thừa nhận, việc cưỡng chế buộc khôi phục tình trạng ban đầu thuộc thẩm quyền của UBND huyện và thanh tra chuyên ngành nhưng cũng chưa làm được, vì vậy mà có dạng nhờn pháp luật.
Về giải pháp trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh, tiếp tục thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai của hai huyện còn lại và tiến hành kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đối với đất lúa tại ba huyện theo kế hoạch thanh tra của UBND tỉnh; đồng thời phân công cán bộ phụ trách theo dõi địa bàn tăng cường đi cơ sở nắm bắt, kiểm tra kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý hoặc yêu cầu cấp dưới xử lý; tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ xử lý các vi phạm về đất đai; tham mưu với UBND tỉnh triển khai Nghị định 91 của Chính phủ thay thế Nghị định 102, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cũng đề nghị UBND cấp huyện, xã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, tăng cường việc kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý kiên quyết các vi phạm theo yêu cầu chỉ đạo của tỉnh, của sở chuyên môn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu UBND các cấp địa phương để xảy ra các vi phạm và phải quy trách nhiệm UBND cấp xã trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Đối với UBND cấp huyện, hằng năm phải xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo đúng quy định, thực hiện nghiêm Kế hoạch 99 về thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, các sở, ngành để xảy ra vi phạm đất đai. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc các đoàn thể tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời và phản ánh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai đến UBND cùng cấp... Đối với các trường hợp đã vi phạm chưa có biện pháp giải quyết, tháo gỡ mà vẫn cố tình vi phạm, sở sẽ báo cáo UBND tỉnh, tham mưu chuyển vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra để nghiên cứu xử lý.
Tại Kỳ họp này, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình đã tập trung chất vấn một số vấn đề dư luận xã hội bức xúc, đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, như tình trạng sông Đoan Túc, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) bị ô nhiễm; thực trạng công tác quản lý thuốc y tế, hành nghề y tư nhân, phân quỹ bảo hiểm y tế; chất lượng nguồn nước sạch của các nhà máy cung cấp nước cho người dân trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân còn nhiều án tồn đọng phải thi hành, nhất là các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng.
HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua 29 nghị quyết về kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế công chức, cơ chế chính sách và một số nội dung quan trọng khác.