Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh với mức độ nghiêm trọng của tình hình COVID-19, cả ASEAN và Australia cần làm việc cùng nhau và duy trì chủ nghĩa đa phương, đây là chìa khóa để tìm ra cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng để hướng tới phục hồi hoàn toàn.
Theo Thủ tướng Prayut, điều mà hầu như mọi quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt là một hành động cân bằng tinh tế giữa kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Người dân đặt hy vọng vào chính phủ về việc phát triển các loại vaccine an toàn, hiệu quả và có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Do đó, các chuyên gia y tế ở ASEAN và Australia nên tiếp tục gặp gỡ và trao đổi thông tin về phát triển vaccine, điều sẽ giúp vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng cách làm việc cùng nhau.
Thủ tướng Thái Lan cũng đề xuất 2 lĩnh vực hợp tác để tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực. Thứ nhất, cần tăng cường hợp tác trong nền kinh tế số để xây dựng một xã hội kỹ thuật số bao trùm và chuẩn bị cho cả hai khu vực về chuyển đổi kỹ thuật số. ASEAN và Australia nên tăng cường hợp tác trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và lực lượng lao động cũng như cải cách luật pháp thông qua Sáng kiến Tiêu chuẩn Thương mại Kỹ thuật số ASEAN-Australia. Các quan hệ đối tác trong phát triển thành phố thông minh thông qua Mạng lưới các Thành phố Thông minh ASEAN (ASCN) và việc sử dụng Quỹ Tín thác Thành phố Thông minh ASEAN-Australia (AASCTF) cũng cần được thúc đẩy.
Thứ hai, cần thúc đẩy hợp tác trong nền kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG). Các giải pháp công nghệ và sáng tạo có thể được sử dụng để nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia, đặc biệt là trong các ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ của ASEAN như nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng, du lịch và khách sạn.
Theo Thủ tướng Prayut, Trung tâm Đối thoại và Nghiên cứu Phát triển Bền vững ASEAN (ACSDSD) đã được thành lập tại Bangkok như một nền tảng hợp tác nhằm khuyến khích các nghiên cứu, học tập cũng như thúc đẩy đối thoại và hợp tác về phát triển bền vững trong ASEAN và các đối tác bên ngoài. Hợp tác BCG giữa ASEAN-Australia có thể được thúc đẩy thông qua trung tâm này.
Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-New Zealand, Thủ tướng Prayut đã bày tỏ tin tưởng New Zealand, một trong những đối tác đối thoại lâu đời nhất của ASEAN, sẽ tiếp tục duy trì các quan hệ chặt chẽ và lâu dài với khối này.
Theo Thủ tướng Prayut, mặc dù thế giới đang trải qua một trong những thách thức khó khăn nhất của thời đại trong bối cảnh COVID-19, nhưng ASEAN và New Zealand sẽ có thể cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này thông qua hợp tác trong các lĩnh vực y tế cộng đồng và an ninh con người trong các khu vực chính phủ, học thuật và xã hội dân sự. Cả ASEAN và New Zealand có thể chung tay đảm bảo phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch một cách hiệu quả bằng cách sử dụng Quỹ ASEAN Ứng phó với COVID-19 và các cơ chế khác do ASEAN và New Zealand dẫn dắt.
Thủ tướng Prayut cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc duy trì các chuỗi cung ứng mạnh mẽ, có khả năng phục hồi và bền vững, đồng thời ủng hộ phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh như bảo tồn môi trường và giáo dục mà New Zealand có chuyên môn. Ông Prayut cũng mời New Zealand tham gia vào các dự án phát triển bền vững với các quốc gia thành viên ASEAN thông qua Trung tâm Đối thoại và Nghiên cứu Phát triển Bền vững ASEAN được thành lập tại Thái Lan năm ngoái.