Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 290, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, có nhiều chuyển biến tiến bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận. Nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên theo hướng ngày càng cụ thể, rõ việc, rõ người. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã được tỉnh Thái Nguyên từng bước thể chế hóa thành các quy chế, quy định để thực hiện trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý theo hướng tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân, phục vụ nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Quyết định 290 tại tỉnh Thái Nguyên còn tồn tại một số hạn chế như: Quá trình thực hiện Quy chế ở một số địa phương, đơn vị cơ sở còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận tại các cơ quan nhà nước ở một số nơi còn có mặt hạn chế; Việc lấy ý kiến của Ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có lúc còn chưa được quan tâm. Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để giải quyết những vấn đề, vụ việc phát sinh, bức xúc, nổi cộm trong quá trình triển khai các dự án ở một số nơi còn chưa hiệu quả, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Trung ương xây dựng và ban hành Quy chế mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới; tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác vận động quần chúng nhân dân; nâng cao kỹ năng giám sát, phản biện xã hội, có tổng kết, đánh giá các mô hình hay để các tỉnh áp dụng vào thực tiễn…
Phát biểu kết luận, đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao công tác tổ chức thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị tại địa phương. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương về công tác dân vận thành các Đề án để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng, phát huy sức mạnh của nhân dân đóng góp xây dựng tỉnh ngày càng phát triển; thực hiện tốt công tác phối hợp dân vận với Quân khu I, là đơn vị đóng quân trên địa bàn. Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; trước mắt, tiếp tục chỉ đạo thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.