Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên có những chỉ đạo, định hướng chính sách như thế nào để đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân, người lao động trẻ tại các khu công nghiệp và đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ?
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, cùng với tinh thần đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, dân trí được nâng cao, tính dân chủ được phát huy. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao… Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Đây là mục tiêu lớn và cần sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo và nhân dân toàn tỉnh trong thời gian tới.
Đồng thời, Thái Nguyên tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách xã hội. Vấn đề việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân, người lao động trẻ tại các khu công nghiệp, kết hợp với đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, phù hợp thực tiễn và nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường lao động là những phần việc cụ thể tỉnh sẽ triển khai quyết liệt hơn nữa.
Theo đó, về công tác giáo dục nghề nghiệp, Thái Nguyên đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ về đào tạo nhân lực có tay nghề cao vào Nghị quyết Đại hội Đảng và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh. Để phát triển nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Thái Nguyên và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh sẽ được chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, tỉnh sẽ khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng trung du, miền núi phía Bắc. Đây là những đơn vị thu hút và giải quyết vấn đề lao động không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn của các địa phương lân cận.
Song song với nâng cao chất lượng giáo dục, vấn đề Quy hoạch phát triển nhân lực, quy hoạch phát triển đào tạo nghề của tỉnh sẽ được đẩy mạnh thực hiện theo chương trình đã được phê duyệt nhằm đảm bảo bảo tất cả các đối tượng có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp phù hợp, tăng cường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các trường ngoài tỉnh, đặc biệt là liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp...
Các chính sách nhằm thu hút nhân lực có trình độ, quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo một số nghề tại địa phương sẽ đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới. Từ đó, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Vấn đề đào tạo việc làm cho lao động nông thôn cũng được tỉnh chú trọng để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững và đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, Thái Nguyên xây dựng những chính sách ưu tiên hỗ trợ tạo việc làm đối với nhóm lao động trẻ, nhóm lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do; đồng thời khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của xã hội trong chính sách việc làm thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực, xã hội hóa dịch vụ công, mở rộng sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội và cá nhân trong thực hiện chính sách việc làm.
Các thông tin, dự báo, định hướng cho việc phát triển phát triển thị trường lao động, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp “đầu đàn”, có quy mô lớn, có sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu địa phương, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh đều được UBND tỉnh tính đến.
Cùng với đó, các cấp các ngành của tỉnh chú trọng thực hiện việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho vay giải quyết việc làm, giảm nghèo, hỗ trợ vốn vay để tạo việc làm; đồng thời, thu hẹp những hộ vay nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả trong sử dụng vốn vay giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động.
Các tổ chức đoàn thể chính trị tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề, việc làm đối với người lao động; từ đó làm chuyển biến căn bản nhận thức trong toàn xã hội về công tác này, tạo cho người lao động thói quen tìm việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm với các trung tâm giới thiệu việc làm...
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thái Nguyên có những giải pháp gì đối với công tác bảo vệ môi trường làng nghề, nông thôn, các khu công nghiệp, đô thị?
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, tỉnh cũng luôn phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường. Để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường; Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trọng tâm là xử lý chất thải; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị, khu cụm công nghiệp; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải; giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước mặt; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác bảo vệ môi trường…
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tập trung nguồn lực nhằm tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thủ tục hành chính về môi trường ngay khi bắt đầu tiếp cận các thủ tục đầu tư; đồng thời công bố công khai các quy trình, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, địa phương sẽ ưu tiên lựa chọn dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.
Song song với đó, các cấp, các ngành của địa phương sẽ nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật bảo vệ môi trường, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác quản lý môi trường cho cán bộ làm công tác quản lý môi trường để nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ quản lý môi trường các cấp.
Nhằm giải quyết vấn đề môi trường, Thái Nguyễn sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý các nguồn thải, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, vỏ hóa chất bảo vệ thực vật thải bỏ. Tỉnh huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở hạ tầng về thoát nước và xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư, khu cụm công nghiệp, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn nhằm giảm thiểu ô nhiễm các nguồn nước thuộc lưu vực sông Cầu.
Đồng thời, một mặt tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc, giám sát các nguồn thải và chất lượng môi trường xung quanh kịp thời phát hiện các nguy cơ ô nhiễm để cảnh báo cho người dân và tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục. Mặt khác, các đơn vị chức năng trong địa bàn tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất.
Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, công bố công khai các hành vi vi phạm và biện pháp xử phạt hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định pháp luật, rà soát, sàng lọc các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, không đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường, không đảm bảo quỹ đất xây dựng công trình bảo vệ môi trường để yêu cầu phải chuyển đổi loại hình sản xuất, đổi mới công nghệ hoặc di dời vào các khu, cụm công nghiệp...
Trân trọng cảm ơn đồng chí!