Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng, nhũng nhiễu vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện tinh vi hơn, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, một số cán bộ thanh tra có dấu hiệu tiêu cực trong công tác thanh tra. Đó là những vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ngày 12/6.
Tham nhũng tinh vi
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề, số vụ phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của lực lượng thanh tra trong 3 năm gần đây, năm sau luôn thấp hơn năm trước. Như vậy, có phải tham nhũng đã được đẩy lùi hay thực sự kết quả thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng hạn chế?
Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn thừa nhận: “Có thể nói, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và gây bức xúc trong xã hội, là một thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước”.
Đến nay có hơn 919.000 người đã kê khai tài sản, đạt 98%. Qua quá trình kê khai tài sản thu nhập có khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện có 88 cán bộ bị xử lý bằng các hình thức, do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản. |
Ngoài ra, hiện nay “tham nhũng nhỏ, chúng ta thường gọi là tham nhũng vặt xảy ra ở những hoạt động thường xuyên với việc tiếp xúc công dân, doanh nghiệp... Từ đó khẳng định tham nhũng vừa qua chưa được đẩy lùi và còn diễn biến khá phức tạp, tinh vi, tiềm ẩn mà phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn”, ông Tranh nhấn mạnh.
Để nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Tổng thanh tra đề ra bốn bước: “Thứ nhất, thanh tra việc triển khai tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thứ hai, thanh tra thực hiện pháp luật các giải pháp phòng ngừa. Thứ ba, thanh tra xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thể hiện trách nhiệm triển khai, phát hiện xử lý tham nhũng. Thứ tư, phát hiện xử lý hành vi tham nhũng cụ thể”.
Làm trong sạch đội ngũ thanh tra
Nhiều đại biểu QH cho rằng, trước khi phòng chống tham nhũng cần làm trong sạch đội ngũ thanh tra. Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) chất vấn: “Việc phòng, chống tham nhũng ngay trong bản thân các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng. Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra được thực hiện như thế nào?
Theo báo cáo của ngành thanh tra, từ năm 2011 đến 2013, toàn ngành có 85 cán bộ bị xử lý. Trong đó, xử lý hành chính 71 người, xử lý hình sự 14 người và 11 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Riêng Thanh tra Chính phủ trong thời gian 3 năm đã xử lý 12 cán bộ, trong đó có 1 xử lý hình sự, 1 cách chức, còn lại là hình thức khác.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Việc xử lý cán bộ trong ngành chưa nhiều nhưng cũng thấy được sự kiên quyết của ngành thanh tra. Riêng Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua đã khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém này”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) phát biểu: “Dư luận thời gian qua có nêu hiện tượng, một vị Phó tổng thanh tra có quá nhiều tài sản, trong đó có nhiều cổ phiếu ở những doanh nghiệp mà cơ quan thanh tra đã từng đến thanh tra. Đề nghị cho biết quan điểm xử lý vụ việc như thế nào?”.
Trả lời vấn đề này, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Vừa qua báo chí đưa tin về tài sản của đồng chí Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã chủ động yêu cầu đồng chí Khánh báo cáo trước Ban cán sự về nguồn gốc và quá trình kê khai tài sản từ năm 2007 đến nay. Qua nhiều lần kê khai tài sản của các năm, đối chiếu lại thì đồng chí Khánh kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Khánh đã giải trình trước Ban cán sự, trước tập thể lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Giải trình này cũng được gửi tới các cơ quan có chức năng để theo dõi, đối chiếu. Hiện nay đồng chí Khánh thuộc diện Ban Bí thư quản lý, cho nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nắm tình hình và cùng phối hợp với Ban cán sự Thanh tra Chính phủ đối chiếu tài sản của đồng chí Ngô Văn Khánh với bản kê khai, để xem mức độ chính xác như thế nào, sẽ có kết luận sau đối với việc đồng chí Ngô Văn Khánh kê khai tài sản mà dư luận báo chí đưa tin”.
Kết luận phần chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Công tác phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu. Quốc hội, nhân dân yêu cầu ngành thanh tra cần nỗ lực hơn để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng tiêu cực. Ngành thanh tra phải là lực lượng trong sạch, phải tạo ra sự chuyển biến trong công tác phòng chống tham nhũng. Kết luận thanh tra phải chính xác”.
Hữu Vinh