Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự sự kiện có các đại biểu đến từ 5 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào Khmer, gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, thời gian qua, tại các diễn đàn của Quốc hội cũng như diễn đàn về công tác dân tộc đã nhận được nhiều ý kiến từ nhân dân về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung cách viết, tên gọi một số dân tộc. Đây là nguyện vọng chính đáng cần được quan tâm.
Ngày 1/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam”. Vì vậy, bà Hoàng Thị Hạnh bày tỏ mong muốn các đại biểu có những ý kiến sát hợp với tình hình thực tế của địa phương để hội thảo đạt được kết quả cao nhất.
Phát biểu chào mừng, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Địa phương có nền văn hóa được kết tinh từ sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc anh em Kinh, Khmer và Hoa. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có truyền thống đoàn kết từ lâu đời, hình thành, phát triển trong quá trình chống chọi với thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đại bộ phận các dân tộc thiểu số trong tỉnh có tinh thần yêu nước, yêu quê hương, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, việc Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trương ban hành Danh mục là rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cũng như nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc, làm cơ sở cho việc hoạch định, thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới.
Hội thảo tại tỉnh Bạc Liêu cũng là điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác dân tộc và quản lý nhà nước về dân tộc, đồng thời là cơ sở giúp Ủy ban Dân tộc có hướng chỉ đạo sát với thực tế ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng mong muốn các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Dân tộc tiếp tục quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cũng như Ban Dân tộc các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ có sự phối hợp chặt chẽ, tiếp tục phát huy những việc làm được, khắc phục mặt hạn chế để quản lý nhà nước về công tác dân tộc thời gian tới đạt hiệu quả.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận sôi nổi xoay quanh nội dung Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam”.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp, tham vấn của các đại biểu. Những ý kiến, đề xuất, tâm tư nguyện vọng của các đại biểu sẽ là căn cứ quan trọng giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nghiên cứu, chỉnh sửa phù hợp để trình Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.