Cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, ngành sẽ tăng cường đôn đốc, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo gắn với kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi bị tố cáo và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn), chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hoàn thiện và triển khai thực hiện phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo về khiếu nại, tố cáo và giúp Chính phủ trả lời đầy đủ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri cả nước liên quan đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về vấn đề trong thời gian chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó có cả đơn thư nặc danh, mạo danh để tố cáo, theo ông Huỳnh Phong Tranh, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đã quy định các loại đơn thư sẽ được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và những loại đơn sẽ không được giải quyết. Thanh tra Chính phủ đã có phân loại các loại đơn thư này. Ví dụ, các đơn thư khiếu nại, tố cáo có danh, theo đúng thẩm quyền của các cơ quan chức năng sẽ được Thanh tra Chính phủ chuyển đến các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, các đơn thư có liên quan đến nhân sự của Đại hội Đảng các cấp, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra các cấp phân loại, xem xét theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng. Đối với đơn thư nặc danh, theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, đơn thư nặc danh sẽ không được xem xét; nhưng trong những trường hợp cụ thể, đối với những đơn có đủ chứng cứ, có cơ sở, có thể được xem xét trên cơ sở làm rõ, phát hiện các dấu hiệu vi phạm thì sẽ tiến hành thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng.
Đối với các đơn thư tố cáo mạo danh liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Thanh tra Chính phủ hết sức thận trọng, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan chức năng theo dõi vấn đề tư cách đại biểu Đại hội. Từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ còn một khoảng thời gian ngắn, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, phân loại để chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Luật Tố cáo đã có quy định rất rõ ràng về việc phát huy, bảo vệ người tố cáo. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã có các Thông tư liên tịch để phát huy việc khen thưởng người tố cáo và đang tiến hành xây dựng luật về bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, nếu phát hiện được những đơn thư tố cáo mang tính chất lợi dụng, bôi nhọ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ xem xét, tùy theo các mức độ để xử lý phù hợp.
Các năm trước, Thanh tra Chính phủ công bố số điện thoại đường dây nóng trong dịp Tết Nguyên đán trong vòng một tháng. Nhưng năm 2015, Thanh tra công bố đường dây nóng sớm hơn vì trong thời điểm trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII có nhiều vấn đề nảy sinh. Từ khi mở đường dây nóng, trong khoảng 20 ngày vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã nhận được 230 tin báo qua đường dây này; trong đó có khoảng 50% thông tin đã được Thanh tra Chính phủ chuyển cho các cơ quan chức năng xem xét theo đúng thẩm quyền; khoảng 30% thông tin đang được xem xét và 10% thông tin chưa có căn cứ, cơ sở, sẽ được Thanh tra Chính phủ lưu lại để theo dõi. Nếu phát hiện được các dấu hiệu có cơ sở, mang tính chất vi phạm pháp luật, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra đột xuất theo chức năng, thẩm quyền được pháp luật quy định.
Năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 5.526 lượt công dân (giảm 1,5% so với năm 2014) với 188.340 vụ việc; có 5.174 đoàn đông người (tăng 6,2%), trong đó, Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 27.834 lượt người (giảm 31,9% so với năm 2014), đến trình bày 7.645 vụ việc. Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên theo quy định. Thanh tra Chính phủ phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoàn thành kế hoạch thí điểm bố trí 100 luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho 535 lượt công dân với 374 vụ việc tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội. Qua tổng kết, đánh giá thấy việc trợ giúp pháp lý của các luật sư đã có hiệu quả tích cực, các cơ quan thống nhất tiếp tục nhân rộng mô hình triển khai tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các địa phương. Các bộ, ngành Trung ương tiếp 21.181 lượt người, 231.153 lượt đoàn đông người, 33,8% lượt đoàn đông người... Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận, xử lý 252.108 đơn thư; có 41.782 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 31.469 đơn khiếu nại, 7.028 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính với 31.989 vụ việc; giải quyết 26.870/32.050 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 84%. |