Ngoài ra, mưa bão đã làm 39 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 6.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Diện tích lúa và hoa màu cũng chịu nhiều thiệt hại sau hoàn lưu áp thấp nhiệt đới.
Nước ngập vào nhà dân xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN |
Có hơn 400 ha lúa bị ngập, 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi. Diện tích hoa màu thiệt hại hơn 20.000 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập hơn 4,7 nghìn ha. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi hơn 1.000 con gia súc, gia cầm..
Về thủy lợi đê điều, áp thấp nhiệt đới đã làm tuyến đê bao Tế Nông (đê bao bảo vệ 40 ha cói) xã Tế Nông, huyện Nông Cống bị vỡ dài 3m. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Cống đã chỉ đạo UBND xã Tế Nông tổ chức nhân lực, vật tư xử lý hàn đoạn đê bị vỡ.
Tuyến đê tả sông Chu, xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân bị sạt lở mái đê dài 87m. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Thọ Trường huy động nhân lực, vật lực, phương tiện vật tư xử lý kịp thời.
Mưa lũ cũng làm sạt lở mái đê tả Cầu Chày, xã Yên Phú, huyện Yên Định dài 70m, ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Định đã chỉ đạo xử lý kịp thời…
Mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về đã chia cắt nhiều xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú và bản Trải (thị trấn Lang Chánh) của huyện miền núi Lang Chánh; xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy)...
Trước tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên chính quyền nhân dân các địa phương bị thiên tai khắc phục hậu quả do áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ gây ra
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác tiêu úng cho hoa màu và cây vụ đông.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa giúp đỡ người dân ở huyện Bá Thước di dời vật nuôi khỏi vùng bị ngập sâu. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN |
Ngành Giao thông vận tải và UBND các huyện đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện khắc phục các điểm bị sạt lở, bồi lấp trên tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường giao thông liên xã; cử người canh giới đảm bảo giao thông thông suốt.
Ngành Điện lực Thanh Hóa cũng đã triển khai và tổ chức huy động lực lượng và các phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo an toàn lưới điện.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng đã thành lập sở Chỉ huy tiền phương tại xã Yên Khương, huyện Lang Chánh để chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích do lũ cuốn trôi…