Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sau hơn 9 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo chuyển biến sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm cảnh quan môi trường, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng cũng lưu ý tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phản biện trong xây dựng nông thôn mới, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thi đua, gắn với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Cùng với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, các xã rà soát, hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; kế hoạch, giải pháp giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế biển, phát triển lâm nghiệp; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị....
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, là tỉnh có số xã xây dựng nông thôn mới lớn nhất cả nước, với điểm xuất phát thấp lại thường xuyên gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, nhưng Thanh Hóa xác định phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là cơ hội lớn để phát triển toàn diện nông thôn.
Qua 9 năm thực hiện, Thanh Hóa đã huy động hơn 56.394 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, các xã trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo được 13.965 km đường giao thông nông thôn; 1.274 cống tưới tiêu và công trình thủy lợi, 3.892 km kênh mương; 7.286 km đường dây truyền tải điện các loại; 12.039 phòng học; 350 công sở xã; 5 trung tâm văn hóa, thể thao xã; 3.431 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản...
Tính đến hết tháng 9 năm 2019, toàn tỉnh có 5 huyện, 332 xã, 592 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,56 tiêu chí/xã, cao hơn 1,3 tiêu chí so với bình quân chung toàn quốc. Thanh Hóa cũng phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ có 6 huyện, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 1 năm so với mục tiêu kế hoạch đề ra).
Để đạt được những kết quả trên, tỉnh Thanh Hóa luôn có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo và đồng bộ. Từ năm 2014, Thanh Hóa đã có sáng kiến trong việc xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi bằng cách xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ thôn, bản để từ đó nhân rộng lên toàn xã, huyện. Cách làm sáng tạo này đã được trung ương đánh giá cao và chỉ đạo triển khai toàn quốc. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Thanh Hóa cũng thực hiện việc lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân, cách làm này cũng được trung ương tham khảo để ban hành hướng dẫn thực hiện trên cả nước.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới như: để lại 100% nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất cho huyện, xã để tạo nguồn lực cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; phát triển sản xuất rau an toàn tập trung; khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao...
Ngoài ra, các huyện cũng ban hành các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới. Các cơ chế, chính sách được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả. Người dân cũng hiến hàng trăm ha đất để xây dựng các công trình phúc lợi, quyên góp, ủng hộ hàng trăm tỷ đồng ủng hộ hàng vạn ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu năm 2020, có thêm ít nhất 30 xã, 2 huyện, 70 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã; có khoảng 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 2 xã, 3 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến năm 2025, tỉnh có thêm 5 huyện, 150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 18,5 tiêu chí/xã. Có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, toàn tỉnh có từ 15 huyện trở lên và 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.