Đoàn cán bộ Chữ thập đỏ tiếp cận vùng lũ. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN |
Mưa lớn đã khiến mực nước sông Cầu Chày lên cao, từ ngày 11/10, quốc lộ 45 đoạn qua cầu Si (xã Định Bình - Yên Định) bị ngập sâu trên 1m làm cho các phương tiện xe cơ giới như xe con 4 chỗ, xe tải nhỏ, xe khách 16 chỗ, xe máy... không thể đi qua và phải dùng đến các phương tiện chuyển tải là xe tải 5 tấn, máy cày nông nghiệp để tăng bo người và phương tiện qua đoạn ngập lụt. Ngoài ra, các tuyến giao thông huyết mạch liên huyện, liên thôn, liên xã bị ngập nước, gây ách tắc giao thông. Nhiều thôn, xã ở Yên Định bị cô lập hoàn toàn.
Xã miền núi Yên Giang (huyện Yên Định) - địa phương nằm trong vùng lòng chảo giữa hệ thống sông ngòi, đến nay đang bị ngập lụt sâu, do nước từ sông Cầu Chầy tràn về. Người dân ở đây cho biết, mưa lớn liên tục suốt 3 ngày, nước sông Cầu Chày dâng cao gây ra hiện tượng sạt trượt một số đoạn đê Yên Giang, nước tràn vào nhà dân, trường học. Nước ngập trạm biến thế khiến toàn xã mất điện. Ngay trong chiều và đêm 11/10, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khẩn trương hỗ trợ các hộ bị ngập, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Gần 300 nhân khẩu xã Yên Giang đã được sơ tán đến Trường Trung học Cơ sở Yên Giang, vào nhà văn hóa xã để tránh trú.
Các các phương tiện chuyển tải như xe tải 5 tấn, máy cày nông nghiệp được huy động để tăng bo người và phương tiện qua đoạn ngập lụt. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN
|
Bà Lê Thị Sáu (74 tuổi) thôn 3, xã Yên Giang cho biết: “Nước lên rất nhanh, nhà tôi bị ngập gần 2m nước, chỉ kịp chuyển ít đồ đạc lên cao, còn lúa, gạo, lợn gà không kịp trở tay. Hai ông bà nhà tôi, con dâu và cháu nội được chính quyền địa phương sơ tán ra trường Trung học Cơ sở và ở đấy từ hôm qua đến giờ. Chúng tôi chỉ mong nước nhanh rút để trở về dọn dẹp nhà cửa, xem có vớt vát được gì không".
Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão huyện Yên Định, mưa lũ đã khiến toàn bộ 5.500 ha diện tích cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện bị hư hỏng, nhất là các diện tích ngô, ớt và đậu tương. Các xã có diện tích sản xuất cây trồng vụ đông bị thiệt hại nặng như: Yên Phú,Yên Tâm, Yên Giang, Yên Lâm, Yên Trung, Yên Bái, Định Liên, Định Bình…. Hơn 1.000 ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản bị mất trắng do nước tràn bờ. Gần 100/875 trang trại, gia trại tổng hợp trên địa bàn bị ngập sâu. Ngoài ra, gần 3.000 hộ dân bị ngập nước, 40/243 thôn bị ngập nặng.
Mưa lũ khiến toàn bộ 5.500 ha diện tích cây trồng vụ đông của huyện Yên Định bị hư hỏng. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN |
UBND huyện Yên Định đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương trong huyện nắm chắc diễn biến tình hình của thời tiết, phân công các thành viên chỉ đạo và phụ trách về cơ sở bám sát địa bàn, cùng với chính quyền các địa phương chủ động các phương án tiêu, thoát nước, chống úng kịp thời và có biện pháp khắc phục cho các diện tích sản xuất vụ đông. Các cấp, các ngành trong huyện tăng cường kiểm tra, theo dõi, đóng chốt tại các địa bàn, các tuyến đê xung yếu đặc biệt là ở các xã ven sông Mã và sông Cầu Chày.
Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: "Địa phương đang cử cán bộ theo dõi sát tình hình, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt và nâng cao cảnh giác đề phòng nguy cơ ngập lụt trở lại nếu trời tiếp tục mưa. Đồng thời, huyện tiếp tục phân công lực lượng trực 24/24 tại các địa bàn, các tuyến đê xung yếu, triển khai các phương án để ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiện tai gây ra, bảo vệ an toàn về người và tài sản cho nhân dân".
Đến 18 giờ ngày 12/10, nước sông Cầu Chày đang rút chậm, khả năng 2-3 ngày tới, nước mới rút hết trên địa bàn huyện Yên Định.