Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động

Chiều 13/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, tại phiên chất vấn, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa về tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.

Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 173 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư khoảng 14,96 tỷ USD. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng là địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư trực tiếp trong nước (DDI). Tuy nhiên, tiến độ triển khai, đầu tư nhiều dự án, nhất là các dự án trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu, gây bức xúc dư luận.

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa cho biết, trên địa bàn tỉnh có 23 dự án quy mô lớn, trọng điểm đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 7 dự án bảo đảm tiến độ. Ông Nghĩa cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm với vai trò là cơ quan đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh nhiều thủ tục liên quan.

“Với trách nhiệm của đơn vị, thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp hiệu quả, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư các dự án trực tiếp thời gian lớn”, ông Lê Minh Nghĩa cho hay.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định: Với việc quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, thời gian qua Thanh Hóa đã thu hút được nhiều dự án lớn, có cả những dự án trọng điểm quốc gia. Trong năm 2025, các cấp chính quyền, các ngành trong tỉnh cần tập trung cao tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét, tạo điều kiện để sớm đưa dự án vào hoạt động.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ xác định rõ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND các huyện trong chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án chậm tiến độ, phấn đấu năm 2025 cơ bản phải có hướng để tháo gỡ. Với nguyên nhân chậm tiến độ do nhà đầu tư chưa phối hợp tốt trong hoàn thiện thủ tục đầu tư và chuẩn bị nguồn lực giải phóng mặt bằng, sắp tới HĐND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND tỉnh phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND, các ngành theo dõi, báo cáo cụ thể và xem xét trách nhiệm để xử lý.

Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ chú trọng thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Bởi việc hình thành mặt bằng sạch từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ hạn chế được nhiều khó khăn phát sinh riêng lẻ, đồng thời thu hút dự án trực tiếp hiệu quả hơn do các nhà đầu tư hạ tầng có sẵn nguồn nhà đầu tư thứ cấp và có cách vận động đầu tư hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, do chăn nuôi xảy ra ở một số địa phương; tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh, tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm và chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực; việc xử lý thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông còn nhiều, chưa được xử lý triệt để.

Việt Hoàng (TTXVN)
Chủ động triển khai các nghị quyết của HĐND TP Hà Nội sớm đi vào cuộc sống
Chủ động triển khai các nghị quyết của HĐND TP Hà Nội sớm đi vào cuộc sống

Ngày 12/12, sau 3,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN