Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng chí lão thành cách mạng trong và ngoài tỉnh đã tham dự.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 587/NQ-UBTVQH14) về việc thành lập Thành phố Đồng Xoài thuộc tỉnh Bình Phước. Theo đó, Đồng Xoài chính thức là thành phố kể từ ngày 1/12/2018.
Thành phố Đồng Xoài được thành lập Thành phố trên cơ sở toàn bộ 167,32 km2 diện tích tự nhiên, dân số 150.052 người với 8 đơn vị hành chính gồm 6 phường, 2 xã.
Như vậy, sau khi thành phố Đồng Xoài ra đời, tỉnh Bình Phước có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố) và 111 đơn vị hành chính cấp xã, phường và thị trấn.
Sau 19 năm xây dựng và phát triển, Đồng Xoài đã đạt chỉ tiêu ở các lĩnh vực. Phát huy lợi thế và khai thác tiềm năng, thế mạnh của trung tâm tỉnh lỵ, những năm gần đây, Đồng Xoài luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 16%/năm.
Kết quả, thu ngân sách những năm đầu 2000 đạt 5,3 tỷ đồng thì đến năm 2018 đạt 691 tỷ đồng, tăng hơn 130 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đến nay, Đồng Xoài hình thành các khu công nghiệp được quy hoạch và xây dựng với diện tích trên 500 ha.
Hiện đã có hàng chục dự án đầu tư vào 2 khu công nghiệp Đồng Xoài I và Đồng Xoài II đi vào hoạt động, thu hút hàng chục nghìn lao động. Bên cạnh đó, Đồng Xoài có hơn 500 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và hơn 4.700 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, góp phần thu nhập đầu người của công dân thành phố đạt bình quân 74 triệu đồng/người/năm 2018.
Đồng Xoài ngày nay hội tụ đầy đủ tiềm năng, kết nối hạ tầng giao thông hoàn thiện với các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, để trở thành đô thị trẻ năng động...
Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài, Lê Trường Sơn cho biết: Thời gian tới thành phố trẻ sẽ tiếp tục tập trung đầu tư các nguồn lực để nâng tầm đô thị; trong đó tập trung vào quy hoạch hoàn thiện hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống giao thông.
Cụ thể, các con đường đã quy hoạch với lộ giới 13 m trở lên sẽ do thành phố và tỉnh đầu tư bằng nguồn ngân sách; đường dưới 13m thì nhà nước và nhân dân cùng làm, quyết tâm nâng tầm đô thị để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhất là nhu cầu của người dân.
Người dân Đồng Xoài cũng mơ ước thành phố trẻ thời gian tới xây dựng ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn; phát triển mạnh hơn và đời sống của người dân sẽ được nâng cao.
Về định hướng phát triển đô thị, thành phố Đồng Xoài thời gian tới phải thực hiện kế hoạch phát triển không gian vùng phù hợp với các quy hoạch đã được Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, quy hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 phấn đấu đạt đô thị loại II; tập trung xây dựng và phát triển đô thị Đồng Xoài theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại và thông minh; cung cấp hệ thống dịch vụ công đô thị hiệu quả, kết nối các trung tâm khu đô thị khác trong vùng để thu hút và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, tạo cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn thành phố Đồng Xoài.
Sự kiện ra đời thành phố Đồng Xoài đánh dấu mốc son trong quá trình xây dựng, mở ra thời kỳ mới tạo sức bật đi lên “công nghiệp hóa” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước.
Dip này, tỉnh Bình Phước cũng công bố thành lập thị trấn Tân Khai thuộc huyện Hớn Quản; phường Tiến Thành thuộc thành phố Đồng Xoài.