Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, được thành lập trên cơ sở nguyên trạng xã Bình Phú với diện tích 19,07 km và dân số trên 18.500 người.
Thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người của huyện Chơn Thành. Bên cạnh đó, thành lập 5 phường Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành thuộc thị xã Chơn Thành trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Chơn Thành và 4 xã Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành thuộc huyện Chơn Thành.
Sau khi thành lập, tỉnh Bình Phước có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Thành phố Đồng Xoài, 3 thị xã (Bình Long, Phước Long, Chơn Thành) và 7 huyện; 111 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 86 xã, 20 phường và 5 thị trấn).
Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường (Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành) và 4 xã (Minh Thắng, Nha Bích, Minh Lập, Quang Minh). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 78,31%.
Cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Đối chiếu với một số chỉ tiêu phấn đấu cụ thể được nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương tỉnh Bình Phước cần có định hướng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, có kế hoạch, tiến trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch, đặc biệt là đối với diện tích đất nông nghiệp; quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng đô thị của đô thị Chơn Thành và có phương án giải quyết các vấn đề bất cập để bảo đảm khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành và các phường trực thuộc có thể phát triển toàn diện, bền vững, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị, phát huy được vai trò của đô thị loại IV.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra nghiêm túc, sát sao, nắm chắc các chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị. Chính phủ chuẩn bị kỹ càng hồ sơ Đề án, Bộ Nội vụ xây dựng báo cáo giải trình thêm, đặc biệt UBND tỉnh Bình Phước có báo cáo trình bày cụ thể về một số vấn đề được cơ quan chủ trì thẩm tra quan tâm.
Tán thành với đề nghị thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, huyện Chơn Thành là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bình Phước, với nhiều khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn. Huyện đang gắn quá trình đô thị hóa với công nghiệp hóa, với tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới. Tốc độ công nghiệp hóa cao như vậy mà kìm hãm về đô thị sẽ xảy ra sự mất cân xứng, do vậy cần nâng lên thành thị xã Chơn Thành để tương thích với sự phát triển công nghiệp của địa phương. “Điều chúng ta lo nhất là “lõi là nông nghiệp, vỏ là đô thị”, nhưng ở địa bàn huyện Chơn Thành lại khác. Tốc độ công nghiệp hóa của địa phương này hiện đã nhanh và dự kiến sẽ càng nhanh hơn khi tiếp tục đầu tư hạ tầng, thi công một số đường cao tốc ở khu vực lân cận”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo hai tỉnh lưu ý thực hiện tốt, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi các Nghị quyết này được thông qua, tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Các địa phương chú ý công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận trong nhân dân về xu hướng phát triển và quyết tâm phát triển của tỉnh; điều chỉnh thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, chuyển đổi giấy tờ, con dấu, điều chỉnh địa giới và điều chỉnh quy hoạch, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xử lý các vướng mắc phát sinh để đảm bảo sau khi các nghị quyết có hiệu lực thì mọi việc được thực hiện suôn sẻ, đóng góp vào sự triển của các tỉnh trong thời gian tới.