Giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của Thanh tra Chính phủ. Những kết luận của cơ quan này trong đợt thanh tra vừa qua đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Ông Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Phát hiện nhiều sai phạmTổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thanh tra Chính phủ Phủ phát hiện tập đoàn này đã đầu tư ngoài công ty mẹ 121.000 tỷ đồng. Theo quy định pháp luật, việc EVN đầu tư ngoài ngành là không vi phạm các quy định của pháp luật, nhưng việc đầu tư ngoài công ty mẹ đã dẫn đến nhiều hệ quả như: Làm phân tán nguồn vốn, đầu tư không tập trung vào ngành nghề chính; bên cạnh đó, hệ số tỷ suất lợi nhuận đầu tư ngoài công ty mẹ, ngoài ngành nghề chính khá thấp.
Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo EVN, Bộ Công thương tiến hành chấn chỉnh, đồng thời tập trung đầu tư vào ngành nghề chính để mang lại vốn đầu tư cho ngành điện và đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình thanh tra và sau kết luận thanh tra, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã thực hiện thoái vốn theo lộ trình của Chính phủ quy định. “EVN đã thấy được sai phạm và đang triển khai thực hiện việc thoái vốn để tập trung đầu tư ngành nghề chính”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Cũng theo Tổng Thanh tra, EVN đã tính 600 tỷ đồng xây biệt thự, sân tennis, bể bơi vào chi phí 6 dự án điện, với tổng đầu 595 tỷ đồng, khiến dư luận bức xúc.
Bên cạnh đó, EVN còn cho Nhà máy nhiệt điện Phả Lại vay với lãi suất thấp, rồi vay lại một số tiền lớn của nhà máy cao gấp 8 lần lãi suất cho vay. Trong 6 dự án của EVN, có một dự án trên 60 tỷ đồng được đưa vào giá thành để tính giá bán điện. Sau khi có kết luận của Thanh tra, Chính phủ đã chỉ đạo EVN rà soát, điều chỉnh lại, nội dung nào, đầu tư nào được đưa vào giá thành thì tính vào giá điện, còn nội dung nào, đầu tư nào không được đưa vào giá thành sẽ tính vào quỹ phúc lợi.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm: Hoạt động tín dụng không đúng quy định nhà nước, vi phạm Luật Tín dụng dưới hình thức thủ tục, giải ngân, thế chấp tài sản không đúng quy định; tổ chức quản lý điều hành lỏng lẻo, gây ra hậu quả; có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Trong quá trình thanh tra năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 1 vụ án vi phạm pháp luật ở công ty Laivowfroo (Ninh Bình) vi phạm Luật Tổ chức tín dụng, có số vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam là 3.500 tỷ đồng, với tổng dư nợ tín dụng lên 3.800 tỷ đồng. Vụ việc này có tính chất lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã chuyển cơ quan điều tra, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố bắt tạm giam gần 30 đối tượng, trong đó có cán bộ ngân hàng, hải quan. Hiện nay, vụ án này đang được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ để truy tố theo đúng quy định của pháp luật”, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết.
Trong quá trình thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chuyển cơ quan điều tra 15 vụ việc để tiếp tục làm rõ và chuyển 59 vụ việc cho Ngân hàng Nhà nước để tiến hành kiểm tra, giám sát theo Luật Hoạt động tín dụng, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Công khai tài sản tại nơi làm việcTổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được nhân dân rất quan tâm. Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã vào cuộc và tập trung cao độ để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn.
Việc kê khai tài sản là giải pháp phòng ngừa quan trọng. Vì vậy, sau khi Luật phòng chống tham nhũng được sửa đổi với nhiều điểm mới, trong đó có kê khai và công khai tài sản; gần đây, Bộ Chính trị lại có Chỉ thị 33 giao nhiệm vụ, trách nhiệm các cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tiến hành kê khai công khai tài sản.
Đối với việc công khai và kê khai tài sản lần này, tất cả các bản kê khai trước đây được kê khai lại toàn bộ, nếu có tài sản tăng thêm phải giải trình; thứ hai, sau khi kê khai phải được công khai tại nơi làm việc thường xuyên của người kê khai; giao trách nhiệm cho người quản lý trực tiếp cán bộ tiến hành xác minh khi có dấu hiệu không trung thực, kê khai chậm; quy định việc xử lý cán bộ kế khai không trung thực, kê khai chậm và có những vi phạm khi kê khai…
“Thời gian tới, ngoài kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo Luật Phòng, chống tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết.
Trọng Thủy