Trong năm 2016, ngành xây dựng sẽ tiến hành thanh tra nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động. |
Không “đủ tầm”cũng kiểm định
Phát
biểu tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng khá bức xúc
với tình trạng nhiều nhân viên kiểm định không đủ trình độ cũng tham gia
kiểm định, công tác quản lý các đơn vị huấn luyện lao động đang bị bỏ
ngỏ…
Đại
diện doanh nghiệp Đại Quang Minh (chủ đầu tư khu đô thị Sala, quận 2)
cho biết: “Các cơ quan chức năng có chính sách gì để kiểm tra các đơn vị
kiểm định hay không, bởi hiện tại chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào các
đơn vị kiểm định vì vậy khi họ đi kiểm định đạt hay không đạt chúng tôi
cũng phải chấp nhận. Thậm chí, có nhiều nhân viên kiểm định không có đủ
tầm, đủ kinh nghiệm cũng đi kiểm định DN. Trước đây tôi đã từng đuổi
một nhân viên kiểm định vì nhân viên này đến DN chúng tôi làm việc
nhưng khi kiểm
định bình áp lực dù không có van áp lực đồng hồ nhưng vẫn
kí giấy “đạt” và cho qua”.
“Hiện nay, có rất nhiều đơn vị huấn luyện an toàn lao động “mọc ra”, tuy nhiên giảng viên nguồn có chất lượng khá ít. Thực tế, chúng tôi làm về xây dựng nhưng không được tự đào tạo cho công nhân của mình (theo thông tư 27), chúng tôi đành phải bỏ tiền thuê các công ty huấn luyện. Tuy nhiên, những giảng viên của các đơn vị này thậm chí chưa từng làm về xây dựng lại có thể đi huấn luyện chúng tôi, liệu công tác này có đảm bảo chất lượng không? Tôi biết có nhiều nhân viên, kĩ thuật viên lao động có đầy kinh nghiệm để đi huấn luyện song vì họ không có bằng cấp nên không thể làm được công tác này. Vì vậy, nên chăng chúng ta cần có một cơ chế nào đó để cho những người có kinh nghiệm huấn luyện lao động có thể tham gia vào giảng dạy về an toàn lao động cho công nhân xây dựng”, vị đại diện DN Đại Quang Minh cho biết thêm.
Đồng quan điểm trên, đại diện phòng Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) quận Thủ Đức cũng chia sẻ: "Tôi làm việc chuyên ngành lao động đã hơn 10 năm nhưng tôi thấy địa điểm huấn luyện an toàn lao động có uy tín rất ít. Là quận có mật độ công trình xây dựng khá đông nhưng tôi cũng không thấy thông tin về công ty huấn luyện an toàn lao động nào có danh tiếng trên địa bàn. Nên chăng các nhà quản lý cần cung cấp một loạt công ty huấn luyện an toàn lao động tốt, có uy tín để các quận huyện giới thiệu cho DN hoặc để DN họ tự tìm tới. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng huấn luyện an toàn lao động cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc tại các công trình xây dựng hiện nay".
Tăng cường thanh tra
Giải đáp thắc mắc của các đơn vị, ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH, cho hay trước đây việc kiểm định an toàn lao động là do 10 cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trung tâm thực hiện. Sau này quy định mở ra, việc kiểm định cũng là loại hình kinh doanh có điều kiện, vì vậy rất nhiều đơn vị kiểm định tư nhân cũng đua nhau "mọc" lên. Trong thực tế hoạt động này đã có biến tướng, xuất hiện nhiều công ty kiểm định không đảm bảo chất lượng và nhiều DN thuê các công ty này tới kiểm định cũng chỉ để cho có, để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước khi kiểm tra. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố tai nạn lao động thì bản thân DN lại phải gánh chịu hậu quả.
“Do đó, khi nhân viên đi kiểm định tại DN, DN có quyền kiểm tra thẻ, bằng cấp của họ, họ được kiểm định cái gì, kiểm định có đúng quy trình không… Nếu họ không có những giấy tờ đó, DN có thể từ chối, cho họ về và thuê đơn vị khác. Bởi kiểm định chất lượng an toàn lao động là phục vụ cho chính DN, cho người lao động của mình, nếu mình không yên tâm có thể từ chối. Ngoài ra, việc huấn luyện an toàn lao động hiện nay cũng có nhiều bất cập, bất cập này xuất phát từ đặc thù của ngành xây dựng chủ yếu là lao động phổ thông. Chúng tôi sẽ ghi nhận những đóng góp ý kiến của DN để nghiên cứu các chính sách, quy định phù hợp để siết chặt quản lý tình trạng trên trong thời gian tới”, ông Thọ cho biết thêm.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn lao động trong ngành xây dựng, sắp tới Bộ LĐTB&XH cũng sẽ tiến hành chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng.
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM, cho hay hoạt động xây dựng trên địa bàn hiện nay có quy mô và phát triển khá nhanh. Tính đến tháng 3, trên địa bàn có khoảng hơn 500 công trình xây dựng nhà cao tầng (công trình cấp 1 và cấp 2) đang hoạt động có sử dụng hơn 200 cần trục tháp. Ngoài ra, trên địa bàn TP có các công trình xây dựng giao thông, cầu đường, hạ tầng đô thị, cấp thoát nước…..Vì vậy, để đảm bảo an toàn lao động trong ngành này, các đơn vị sẽ thực hiện 100 cuộc thanh tra chuyên đề an toàn lao động tại các công trình cấp 1 và cấp 2. Thực hiện 100 cuộc kiểm tra việc tuân thủ quy định an toàn lao động trong sử dụng cần trục tháp tại các công trình xây dựng. Tổng kiểm tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhà ở….
Trong khi đó, theo ông Phan Đăng Thọ, mục tiêu trong năm 2016 của Bộ LĐTB&XH cũng sẽ triển khai chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng trong tất cả tỉnh thành và chia làm theo 4 khu vực 1, 2, 3, 4. Mỗi địa phương, tỉnh thành tiến hành thanh tra ít nhất 10 công trình xây dựng. Các tỉnh thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…sẽ tiến hành thanh tra nhiều hơn.
“Để việc thanh tra đạt hiệu quả cao, tất cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành đoàn thể cùng vào cuộc thực hiện. Người sử dụng lao động phải tổ chức thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong công trình xây dựng. Người lao động phải chấp hành tốt các quy định ATVSLĐ. Người dân cùng tham gia thông tin đến Sở khi phát hiện các công trình xây dựng trên địa bàn thi công không đảm bảo an toàn lao động”, ông Phan Đăng Thọ chia sẻ thêm.