"Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.
Có thể nói, sự hình thành Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung là một dấu mốc quan trọng, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực hơn nữa để hơn 650 triệu nhân dân Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều. Theo đó, bản Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng đến năm 2025 đã đưa ra 109 biện pháp chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu bao gồm: Gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; hòa nhập; bền vững; tự cường và năng động.
Cộng đồng Văn hóa -Xã hội ASEAN ngày càng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Với việc chia các biện pháp thành các hoạt động/dự án cho 15 kế hoạch hoạt động của các cơ quan chuyên ngành trong ASEAN, từ năm 2015 đến nay, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận về tỷ lệ thực hiện các hoạt động, trong đó 8% đã được hoàn thành, 47% đang được thực hiện và 45% sẽ được thực hiện trong các năm tiếp theo. Cùng với đó, qua các năm, ghi nhận nhiều nỗ lực của các nước thành viên ASEAN khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN với rất nhiều sáng kiến thiết thực và Tuyên bố được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua. Cụ thể như:
Năm 2015, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực bao gồm người cao tuổi, an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, biến đổi khí hậu và ứng phó với thảm họa, giáo dục… Những ưu tiên quan trọng này của Cộng đồng đều được cụ thể hóa bằng các cam kết mạnh mẽ của các Nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN. Đó là các văn kiện, Tuyên bố: (1) Tuyên bố ASEAN về Già hoá: Tăng cường quyền năng cho người cao tuổi trong ASEAN; (2) Khuôn khổ và Kế hoạch hành động khu vực về thực hiện Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội; (3) Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (EVAW) và (4) Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em (EVAC); (5) Tuyên bố Kua-la Lum-pơ về Giáo dục sau đại học; (6) Tuyên bố về Chương trình nghị sự ASEAN sau 2015 về Bền vững môi trường và biến đổi khí hậu; (7) Tuyên bố chung Pu-tra-jay-a về những ưu tiên của ASEAN sau 2015 hướng tới dịch vụ dân sự ASEAN lấy người dân làm trung tâm; và (8) Chính sách an toàn thực phẩm ASEAN.
Năm 2016, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể đến năm 2025 và các Kế hoạch công tác chuyên ngành bao gồm phúc lợi xã hội và phát triển, lao động, môi trường, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp, thanh niên, phát triển nông thôn và giảm nghèo, y tế, văn hóa, thông tin, giáo dục và thể thao. Cùng với đó, tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng vào những đối tượng yếu thế trong xã hội, đúng theo tinh thần xây dựng một xã hội chăm sóc và chia sẻ của ASEAN. Các văn kiện, Tuyên bố được thông qua bao gồm: (1) Tuyên bố Viên chăn về Chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN; (2) Tuyên bố Viên chăn về Tăng cường hợp tác Di sản văn hóa trong ASEAN; (3) Tuyên bố ASEAN về Thúc đẩy giáo dục cho trẻ em và thanh niên ngoài trường học; (4) Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu năm 2016; (5) Tuyên bố chung ASEAN về cam kết phòng, chống HIV và AIDS: Dồn tổng lực và duy trì ứng phó HIV/AIDS để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030; (6) Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Văn hóa và Nghệ thuật nhằm thúc đẩy Bản sắc ASEAN hướng tới một Cộng đồng ASEAN năng động và hài hòa; (7) Lộ trình hợp tác ASEAN hướng tới Kiểm soát Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới với các biện pháp thực hiện, một cột mốc quan trọng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đang ảnh hưởng trong khu vực; (8) Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN Một phản ứng chung: Phản ứng chung của ASEAN trước thảm họa trong và ngoài khu vực.
Năm 2017, kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cùng với 2 trụ cột còn lại, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đã có những bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng. Kết quả là sự đồng thuận của các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN trên nhiều văn kiện, Tuyên bố như: (1) Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Lao động di cư; (2) Tuyên bố ASEAN về Văn hóa phòng ngừa hướng tới một xã hội hòa bình, hòa nhập, tự lực tự cường, khỏe mạnh và hài hòa; (3) Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN về Thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Mục tiêu phát triển bền vững có đáp ứng giới; (4) Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN về Quản lý y tế trong thảm họa; (5) Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN về Chấm dứt các thể suy dinh dưỡng; (6) Tuyên bố của các Lãnh đạo ASEAN về Cam kết chống kháng thuốc (AMR): Chống kháng thuốc thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe; (7) Tuyên bố ASEAN về Thông qua các chỉ số phát triển Thanh niên đầu tiên (YDI); (8) Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu tại Cuộc họp lần thứ 23 của Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC COP-23); (9) Tuyên bố chung về Thúc đẩy Phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN.
Có thể nói, trong các văn kiện, Tuyên bố được thông qua năm 2017, việc thông qua Tuyên bố ASEAN về Văn hóa phòng ngừa hướng tới một xã hội hòa bình, hòa nhập, tự lực tự cường, khỏe mạnh và hài hòa là một thành tựu quan trọng, có tính chất liên ngành, liên trụ cột, thể hiện một sự thay đổi mô hình về "Văn hoá Phòng ngừa", giúp hoặc ngăn ngừa bạo lực xảy ra, thông qua thúc đẩy các biện pháp trong sáu khía cạnh bao gồm: (i) Thúc đẩy văn hoá hòa bình và hiểu biết giữa các nền văn hoá; (ii) Thúc đẩy nền văn hoá tôn trọng tất cả; (iii) Thúc đẩy văn hoá quản trị tốt các cấp; (iv) Thúc đẩy văn hoá tự cường và chăm lo cho môi trường; (v) Thúc đẩy nền văn hoá có lối sống lành mạnh; và (vi) Thúc đẩy một nền văn hoá hỗ trợ các giá trị của sự điều độ.
Năm 2018, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN do Xinh-ga-po làm Chủ tịch, đang tích cực phát huy những nỗ lực góp phần đạt dược Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Theo đó, các sáng kiến được đưa ra tập trung vào các lĩnh vực then chốt và mới nổi như ứng phó với biến đổi khí hậu, các giá trị cốt lõi trong hiểu biết về kỹ thuật số, thanh niên, giảm thiểu các tác động tiêu cực của tin giả. Đặc biệt là sáng kiến “Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN” nhằm cải thiện môi trường sống, sinh kế của người dân tại các đô thị ASEAN và tăng cường cơ hội của doanh nghiệp khu vực với thị trường hơn 630 triệu dân.
Thành tựu của Việt Nam
Cùng với những nỗ lực của Cộng đồng, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 với việc ban hành “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025” theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là Cơ quan chủ trì đã và đang nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện Đề án có hiệu quả ở cấp quốc gia. Theo đó, sự quan tâm và nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương đang dần được nâng lên rõ rệt. Năm 2017 và 2018, các cuộc Tập huấn, Hội thảo Hội nghị về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức thu hút sự tham gia đầy đủ của đại biểu đến từ các Bộ, ngành và các Sở, ban, ngành liên quan của 63 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương ngày chú trọng đến nghiên cứu các mục tiêu của Kế hoạch Tổng thể thông qua việc xây dựng và ban hành nghiêm túc Kế hoạch hành động thực hiện Đề án, trong đó ưu tiên lồng ghép thực hiện các hoạt động liên quan trong các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia/chương trình hành động quốc gia của Bộ, ngành, địa phương. Một số kết quả cụ thể là:
- Các hoạt động hướng tới mục tiêu gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân được gắn chặt với việc nâng cao năng lực thể chế, kiện toàn cơ cấu tổ chức và cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (Ví dụ: Tỉnh Lạng Sơn: đã triển khai nâng cấp phần mềm một cửa liên thông điện tử tại 13 cơ quan, tạo thuận lợi trong công tác quản lý hồ sơ, tiếp nhận và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp; tinh giảm biên chế, sát nhập, tổ chức lại các cơ quan; Tỉnh Khánh Hòa: củng cố, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh và bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức tốt, kỹ năng và kinh nghiệm giao tiếp làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Tỉnh Phú Thọ: thúc đẩy việc kiểm tra công tác giảm nghèo và việc thực hiện chi trả bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện…).
- Song song với quá trình này, các Bộ, ngành và địa phương cũng chú trọng vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ công chức về ASEAN và các lợi ích mà ASEAN mang lại. Một số điển hình phải kể đến như: Tỉnh Yên Bái: nội dung tuyên truyền cũng được đưa vào nội dung học tập và giảng dạy, sinh hoạt ngoại khóa tại các trường Trung học phổ thông của tỉnh Yên Bái; Tỉnh Kiên Giang: đã tổ chức triển khai, tuyên truyền lồng ghép vào các hội nghị và trên phương tiện truyền thông đại chúng được 7 cuộc với hơn 3.500 lượt cán bộ, đảng viên, công chức về các Nghị quyết về hội nhập của Việt Nam và Đề án. Ở cấp Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là đầu mối thông tin truyền thông của cả nước đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, quảng bá về Trụ cột Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN trong tổng thể Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN quốc gia năm 2017 và triển khai xuyên suốt cũng như thông báo tới các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí các tỉnh trong cả nước để phối hợp triển khai tổng thể; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh coi việc tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đoàn viên, trong đó có nhận thức về ASEAN là một trong những tiêu chí về công tác quốc tế thanh niên (trong bộ tiêu chí đánh giá công tác Đoàn và phong trong Thanh thiếu niên hàng năm).
- Các hoạt động hướng tới mục tiêu hòa nhập tập trung vào việc tăng cường, mở rộng và thực hiện chính sách về an sinh xã hội, lao động, việc làm, các chính sách về y tế, giáo dục, trợ giúp đột xuất, hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và các nhóm yếu thế khác, thúc đẩy bình đẳng giới... Những kết quả cụ thể cho thấy tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng (Lạng Sơn: 94,4%, Phú Thọ: 86,35%, Thừa Thiên Huế 93%, Đà Nẵng: 93,7%, Bến Tre: 89,8%); xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế được đẩy mạnh, mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội được tăng lên (Đà Nẵng: tăng mức trợ cấp hàng tháng từ 270.000 đồng lên 350.000 đồng). Công tác bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em cũng được đề cập trong nhiều báo cáo từ địa phương. Nhiều tỉnh đã thúc đẩy xã hội học tập, gia đình học tập, thúc đẩy giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật... Các hoạt động chăm sóc phát huy vai trò của người cao tuổi như chúc thọ, mừng thọ, trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi được đẩy mạnh.
- Mục tiêu xây dựng Cộng đồng bền vững được thực hiện bằng những biện pháp, chương trình và hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường như: bảo vệ rừng đặc dụng, giảm thiểu thiệt hại của biến đổi khí hậu; huy động sự tham gia của người dân về bảo vệ môi trường, tài nguyên và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát môi trường (Hoà Bình: thực hiện phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gay ô nhiễm môi trường nghiêm trọng); thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học và năng lượng sạch (Nghệ An: phát triển các mô hình sử dụng năng lượng sạch như “Nhà máy điện năng lượng mặt trời”, “Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ nông nghiệp xanh”; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu).
- Đối với mục tiêu tự lực tự cường được các Bộ, ngành, địa phương triển khai tập trung vào việc tăng cường giáo dục, y tế…nhằm nâng cao trình độ cho người dân. Nhiều tỉnh đã thúc đẩy các biện pháp thiết thực hướng tới mục tiêu này.
- Liên quan đến mục tiêu năng động: mục tiêu một Cộng đồng năng động đã được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú từ giáo dục, sản xuất cho đến văn hóa và du lịch, thúc đẩy khả năng và năng lực. Điển hình như Bộ Giáo dục – Đào tạo: hỗ trợ việc học ngôn ngữ ASEAN và thúc đẩy giao lưu giữa học sinh, sinh viên và các nhà ngôn ngữ học (ở Việt Nam có 5 trường đại học dạy tiếng Thái, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục Thái Lan dạy tiếng Việt tại Thái Lan; Với Singapore, hiện hai nước đã có 13 trường phổ thông kết nghĩa).
Định hướng tham gia của Việt Nam
Với phương châm tham gia hợp tác ASEAN trên tinh thần “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, định hướng tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam trong thời gian tới được xác định cụ thể như sau:
Chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới, có tính khả thi, nhằm thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết nội khối ASEAN cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Tích cực cùng ASEAN chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp trong nội khối cũng như các thách thức khu vực và toàn cầu, đe doạ đến hoà bình, an ninh, ổn định khu vực, nhằm duy trì sức sống, giá trị cũng như góp phần nâng cao vị thế của Hiệp hội trong hoàn cảnh mới;
Có trách nhiệm cùng ASEAN nỗ lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các thỏa thuận và cam kết đã đề ra, với ưu tiên hàng đầu hiện nay là xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất và gắn kết".