"Cần cân nhắc sự khác biệt ở các địa phương khác nhau, đặc biệt chú ý địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng quản lý ngày càng đông hơn, công việc, độ phức tạp nhiều hơn, quy mô hoạt động kinh tế lớn, thu ngân sách cao nhưng đều chịu sự áp dụng chính sách chung của toàn quốc về tinh giản biên chế và đầu mối làm việc là chưa hợp lý". Đây là một trong các nội dung được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ về các vấn đề liên quan đến Nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội ngày 26/5.
Đề cập đến một số bất cập là “điểm nghẽn” ở các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng cho biết, thực tiễn hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước cho thấy, có nhiều sự khác biệt của các đơn vị hành chính và các cơ quan trong hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền ở mỗi địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phân chia cơ bản cơ cấu tổ chức, số lượng cán bộ, công chức và đầu mối làm việc theo nguyên tắc chủ yếu dựa trên tiêu chí một đơn vị hành chính mà ít chú ý đến yếu tố quan trọng khác như: Đặc điểm địa bàn quản lý (độ phức tạp, mật độ và lượng công việc, giao dịch, thủ tục hành chính, quy mô diện tích và phạm vi rộng...); quy mô dân số và mật độ dân cư; mức độ và mật độ sôi động của hoạt động kinh tế của địa phương, do đó đôi lúc dẫn đến sự bất cập trong thực tiễn quản lý của chính quyền một số địa phương nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, trên cơ sở Nghị quyết số 31/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ quan chức năng liên quan cần hoàn thiện các văn bản Luật và quy phạm pháp luật, cụ thể hóa chủ trương, đường lối để các ban, bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi cho Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp thực tiễn, đúng quy định.
Về lâu dài, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng cho rằng, để thực hiện tốt chính sách tinh gọn, hiệu quả bộ máy quản lý, phù hợp thực tiễn của từng địa phương, Bộ Nội vụ cần xây dựng khung tiêu chí định mức để điều tiết tăng giảm biên chế phù hợp với nhiều địa phương, dựa vào các yếu tố của đối tượng quản lý (quy mô, mật độ dân số, diện tích, độ phức tạp của địa bàn, thu nộp ngân sách...) và giao quyền tự chủ cho các địa phương quyết định linh hoạt trên nguyên tắc khung tiêu chí như đề cập ở trên.
Đặc biệt, quan tâm đến các địa phương cân đối được ngân sách và tạo nguồn thu ngân sách lớn cho Nhà nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đồng thời cần có cơ chế vượt trội - giao quyền chủ động lớn hơn (cả phân cấp quản lý và tài chính) theo tỷ lệ đóng góp ngân sách tăng từng năm cho Trung ương, tạo động lực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đóng góp, kiến tạo phát triển mạnh mẽ của từng địa phương và cả nước. Từ đó tạo ra cơ chế minh bạch, lành mạnh để các địa phương cùng cạnh tranh, phát triển thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi về giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong quản lý nhà nước hiện nay cũng như cơ chế, chính sách vượt trội cho Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng cho rằng, Bộ Nội vụ cần sớm có cơ chế chính sách chung (với việc xác định định biên trên cơ sở tiếp cận đa chiều của đối tượng quản lý) cho cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chủ động xem xét, thẩm định, giao bổ sung, điều tiết số biên chế cho các phường, xã, thị trấn căn cứ theo quy mô dân số, sự phức tạp của địa bàn...
Về xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội tạo động lực cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng cho rằng, Thành phố sẽ thí điểm tiên phong trước, nếu tốt là tiền đề khuyến khích các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sao cho chính sách công bằng tới mọi địa phương chứ không phải là một sự "đặc thù” theo kiểu “ưu đãi".
Từ các phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng đề xuất cần cân nhắc một cơ chế chính sách mới, vượt trội công bằng cho Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở xác định các tiêu chí định mức thu trung bình ổn định trong khoảng thời gian xác định và tạo tính khuyến khích được trích tăng tỷ lệ % cao hơn cho ngân sách điều tiết cho Thành phố ở phần vượt định mức, từ đó tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy cho Thành phố. Với cách làm tương tự, có thể khuyến khích mọi địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có cân đối được ngân sách tăng thu ngân sách và đóng góp nhiều cho Trung ương song ngân sách của tỉnh, thành phố cũng cao lên. Lấy đây là thí điểm để từ đó nhân rộng mô hình cho các địa phương trong cả nước, kích thích sự phấn đấu, năng động sáng tạo của chính quyền các địa phương.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, cần tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và lân cận, tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó tạo thể chế, thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Ngoài tuyến đường vành đai 3, cần tập trung xúc tiến các tuyến đường vành đai 4, tuyến cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ và vùng lân cận. Đây là điều kiện tốt để kích hoạt vùng phát triển năng động cực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam, làm tiền đề cho sự phát triển của các vùng, địa phương khác trong cả nước trên cơ sở hiệu quả sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.