Phóng viên TTXVN đưa tin từ Kampong Chhnang cho biết tại buổi làm việc ngày 13/11 với lãnh đạo tỉnh Kampong Chhnang, ông Lương Thanh Nghị đã thông báo cho ông Chhua Channdoeun, Chủ tịch tỉnh Kampong Chhnang, về việc bà con gốc Việt tuân thủ chủ trương di dời của chính quyền tỉnh; cảm ơn những chỉ đạo của Thủ tướng Samdech Hun Sen về việc di dời bà con cần có thời gian quá độ, địa điểm tạm cư cần có điều kiện hạ tầng thiết yếu, đảm bảo cuộc sống và sinh kế cho bà con.
Tuy nhiên, theo bà con và đoàn được biết, khu vực tạm cư hiện nay của bà con, đặc biệt là tại huyện Boribo, vẫn còn ngập nước, chưa có hạ tầng thiết yếu như: hệ thống cung cấp nước sạch, đường đi lại, điện lưới, đặc biệt là hệ thống thoát nước và chất thải.
Ngoài ra, khi nước rút, khu vực này sẽ trở thành một vũng lầy, ảnh hưởng rất lớn về môi trường, vệ sinh dịch tễ. Cộng đồng bà con gốc Việt khẩn thiết đề nghị chính quyền tỉnh quan tâm, sớm tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng thiết yếu, hoặc cho phép bà con được di chuyển tới địa điểm tạm cư mới đủ điều kiện sống tối thiểu, bảo đảm vệ sinh môi trường, có thể mưu sinh trong thời gian chờ đợi chính quyền tìm các biện pháp cho bà con tái định cư lâu dài, ổn định cuộc sống.
Phản hồi các ý kiến của đoàn, Chủ tịch tỉnh Kampong Chhnang khẳng định, tỉnh đã nắm được các khó khăn của bà con gốc Việt trong quá trình di dời. Tuy nhiên, đây là kế hoạch đã được phê duyệt và triển khai từ năm 2015 và phải kết thúc vào năm 2019 để góp phần bảo vệ môi trường nước của Biển Hồ đang ngày càng bị ô nhiễm nặng do việc sinh sống trên nhà nổi.
Ngoài ra, tỉnh phải đăng cai tổ chức Lễ hội Sông quốc gia lần thứ V vào tháng 3/2019 và nhiều ý kiến của đa số người dân trong tỉnh yêu cầu chính quyền bảo vệ môi trường nước, sắp xếp ổn định trật tự lòng sông, phát triển cuộc sống cho người dân toàn tỉnh. Do đó, chính quyền tỉnh không thể hủy bỏ, dừng hay tạm hoãn kế hoạch di dời.
Kế hoạch di dời này là di dời toàn bộ số hộ dân sinh sống trên nhà nổi, không phân biệt người Khmer, người Chăm (Campuchia gọi là Khmer Islam) hay người gốc Việt nhập cư. Chậm nhất là đến tháng 7/2019, chủ trương, kế hoạch và lập trường của chính quyền tỉnh là tất cả các hộ còn đang sinh sống trên bè cá cũng phải di dời lên cạn. Các bè cá phải tập trung tại các địa điểm theo quy hoạch của chính quyền và chỉ được sử dụng để nuôi cá, không được dùng làm nơi ở.
Đối với việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho số bà con gốc Việt tại địa điểm tạm cư, đặc biệt là tại huyện Boribo, Chủ tịch tỉnh Kampong Chhnang cho biết, chính quyền tỉnh sẽ có kế hoạch xây dựng đường trải sỏi, làm cầu tạm, cung cấp nước sạch và kéo điện lưới vào địa điểm tạm cư sau khi nước rút.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kampong Chhnang, đoàn công tác liên ngành đã đi thị sát và thăm hỏi tình hình bà con đang sinh sống tại địa điểm tạm cư ở huyện Boribo. Trao đổi với phóng viên và đoàn, bà con gốc Việt đang sinh sống tại điểm tạm cư cho biết cuộc sống của bà con đang gặp nhiều khó khăn hơn khi nước rút rất nhanh, những ngọn cây mai dương (cây xấu hổ) đã lộ cao lên khỏi mặt nước, khiến việc đi lại và sinh hoạt của bà con càng thêm khó khăn.
Trao đổi với phóng viên sau chuyến thị sát và thăm hỏi tình hình cuộc sống của bà con tại điểm tạm cư ở huyện Boribo, ông Lương Thanh Nghị cho biết, ông hy vọng lãnh đạo tỉnh Kampong Chhnang sẽ sớm thực hiện những lời hứa về việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho bà con tại địa điểm tạm cư để bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Mặc dù cuộc sống của bà con gốc Việt tại địa điểm tạm cư vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những lời hứa của chính quyền tỉnh, đặc biệt là của Chủ tịch tỉnh Kampong Chhnang, hy vọng rằng bà con gốc Việt vẫn có thể tự nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, hòa nhập vào cộng đồng người dân nước sở tại.