Sáng 10/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP liên quan đến cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.
Cùng với đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, tiếp thu nội dung đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo Nghị định; trong đó rà soát, đảm bảo tổng thể, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý để xử lý, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn. Qua đó, Bộ Tài chính hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đề xuất một số vấn đề liên quan đến phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp; vấn đề thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn; xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất trong giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị xác định giá trị văn hóa, lịch sử trong giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước; đề xuất phương án tách riêng nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP) thành Nghị định riêng để trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Vietinbank và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn liên quan đến nội dung cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tổng thể, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý để xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn; qua đó hoàn thiện quy định của pháp luật về sử dụng vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội.
Đánh giá cao ý kiến đóng góp của các bộ, ngành trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu các ý kiến; lưu ý các Nghị định sửa đổi phải phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương thực hiện xong trước ngày 15/8/2020.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định. Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định; đồng thời bổ sung ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Liên quan đến đề xuất của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị thống nhất quy định 3 nghị định về nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và các nội dung chi từ quỹ theo quy định.
Nhấn mạnh việc sắp xếp lại các doanh nghiệp cổ phần hóa (có đất đai, nhà cửa ở nhiều địa phương) theo đúng quy định, Phó Thủ tướng lưu ý, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu phối hợp với các địa phương định giá rõ ràng để đưa vào cổ phần hóa hoặc giao trả lại địa phương theo quy định của pháp luật, trên tinh thần “không để lãng phí tài sản trên đất”.
“Không để tài sản nhà nước bị lãng phí hay bị ‘lợi ích nhóm’; luồn lách pháp luật bán với ‘giá bèo’", Phó Thủ tướng nêu rõ.