Thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Giám định tư pháp

Sáng 15/11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Tội rửa tiền đã được quy định trong Bộ luật Hình sự của nước ta, tuy nhiên các quy định về phòng và xử lý bằng biện pháp hành chính mới được quy định trong các văn bản dưới luật. Luật Phòng, chống rửa tiền cùng với Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ tạo thành hệ thống pháp luật có hiệu lực để phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đồng thời thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước ta với các tổ chức quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận. Một số ý kiến bày tỏ quan điểm tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật là "Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố; trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố" vì cho rằng tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền, việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là hai lĩnh vực có nhiều điểm tương đồng. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), không nhất thiết phải quy định một chương riêng về phòng, chống tài trợ khủng bố liên quan đến phòng, chống rửa tiền trong Luật này, nhưng cần có một vài điều khoản cụ thể qui định về phòng, chống tài trợ khủng bố trong luật.

Các ý kiến khác lại cho rằng, tài trợ cho khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố. Dự án Luật Phòng, chống khủng bố đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Tiền, tài sản tài trợ cho khủng bố có thể có nguồn gốc hợp pháp hoặc bất hợp pháp, đều phải bị ngăn cấm. Nếu chỉ quy định phòng, chống tài trợ cho khủng bố từ tội hoạt động rửa tiền như dự án Luật là chưa đầy đủ. Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề xuất nên có 1 điều khoản nêu rõ hành vi tài trợ cho khủng bố sẽ do Luật Phòng, chống khủng bố điều chỉnh. Đại biểu Bùi Văn Phương cũng tán thành với quan điểm không đưa nội dung tài trợ khủng bố vào dự luật để tránh sự trùng lặp nội dung với Luật Phòng, chống khủng bố.

Bàn về cơ quan phòng, chống rửa tiền, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nội dung này. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) không tán thành cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đại biểu lập luận, rửa tiền là một loại tội phạm nên chủ trì phải là cơ quan điều tra phòng chống tội phạm. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị giao Bộ Công an quản lý và ngân hàng chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện. Đại biểu cũng đề xuất dự án Luật phải làm rõ các loại hành vi rửa tiền (chứ không chỉ là những biện pháp nhận dạng), đồng thời quy rõ trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan trong phòng, chống rửa tiền.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đề nghị Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chủ trì sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính... cùng thực hiện. Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) không tán thành giao cho Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Công an mà cho rằng cơ quan phòng chống rửa tiền phải là một cơ quan đặc biệt gồm các chuyên gia của các ngành (ngân hàng, công an, tài chính...) trực thuộc Chính phủ. Ủy ban Kinh tế tán thành việc đặt Cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên lưu ý đây chỉ là cơ quan đầu mối. Việc phòng, chống rửa tiền trong các ngành, lĩnh vực phải do các cơ quan chuyên ngành trực tiếp thực hiện.

*Chiều 15/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với việc ban hành luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác giám định. Một số ý kiến tán thành với những quy định nhằm xã hội hóa công tác giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, tại buổi thảo luận chiều nay, khá nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc chủ trương xã hội hóa đối với lĩnh vực rất nhạy cảm này.

Đại biểu Nguyễn Xuân Phúc (Quảng Nam) và một số đại biểu đồng tình với xu hướng xã hội hóa giám định tư pháp nhằm huy động nguồn lực của xã hội vào công tác này, nhất là đối với các trung tâm nghiên cứu, cơ sở khoa học. Tuy nhiên cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc xã hội hóa giám định tư pháp là phù hợp, nhằm làm giảm áp lực công việc cho các hệ thống giám định và tòa án. Kết luận giám định của các tổ chức, đơn vị cũng có giá trị tương đương với các cơ quan giám định nhà nước. Tuy nhiên, chỉ nên cho phép xã hội hóa giám định tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh tế chứ không nên cho phép đối với lĩnh vực hình sự.

Liên quan đến chuyển cơ quan giám định tư pháp từ ngành công an hiện nay sang ngành y tế, nhằm bảo đảm chất lượng chuyên môn, một số đại biểu đề nghị nên giữ nguyên ở ngành công an nhằm bảo đảm hiệu quả điều tra. Các đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) cho rằng, công tác giám định tư pháp liên quan chặt chẽ đến công tác điều tra các vụ án đòi hỏi sự chính xác và tính bí mật cao. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ công an pháp y hiện nay được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu công việc. Do vậy, việc giữ nguyên cơ quan giám định tư pháp tại ngành công an là hợp lý. Tuy nhiên, ngành công an và y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi nghiệp vụ trong công tác giám định tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm qua tổng kết thực tiễn, lực lượng kỹ thuật hình sự công an các tỉnh, thành phố làm công tác giám định pháp y đều có kết quả tốt, chưa phát hiện trường hợp nào làm sai. Vì vậy giữ nguyên đội ngũ pháp y trực thuộc công an các tỉnh, thành phố là phù hợp.

Quỳnh Hoa - Quang Vũ
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN