Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 4/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) và dự án Luật thống kê (sửa đổi).
Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
* Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong xét xử các vụ án hành chính Góp ý về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên); Đào Văn Bình, Nguyễn Sơn (Hà Nội); Đỗ Văn Đương, Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh)... đồng tình với quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như dự án Luật.
Theo đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội), hiện nay, nhiều vụ việc hành chính đa phần liên quan đến đất đai và một số vụ việc phức tạp khác. Nếu để Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử các vụ khiếu kiện liên quan đến quyết định của Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thì trong quá trình xét xử, tâm lý người được phân công làm chủ tọa cũng ngại và trên thực tế là có sự tác động, chi phối. Việc giao cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ bảo đảm tính khách quan, tạo niềm tin cho nhân dân. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu rõ: Đối với các vụ án hành chính, Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử lý ít, vì vậy nếu Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy vụ việc Tòa án cấp huyện để xử cũng không dẫn đến quá tải, không ảnh hưởng đến hoạt động Tòa hành chính cấp tỉnh. Do vậy, việc để Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý, xét xử khiếu kiện liên quan đến Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là phù hợp với thực tế .
Nhiều đại biểu đánh giá quy định về “bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính” và “phương thức tranh tụng tại phiên tòa” là nội dung mới, rất quan trọng khi sửa đổi Luật lần này. Tuy nhiên, quy định về bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính còn ngắn gọn, khái quát, cô đọng, cần bổ sung thêm. Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Nội) phân tích: Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, vấn đề tranh tụng đã được nghiên cứu từ năm 2012, khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị được ban hành cũng yêu cầu phải bảo đảm việc tranh tụng tại phiên tòa. Có thể nói, đối với hành chính và dân sự, quá trình tranh tụng bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án. Thực chất tranh tụng được thực hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng. Dự án Luật đã thể hiện tương đối đầy đủ nguyên tắc tranh tụng được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Nhiều nội dung về tranh tụng đã được thể hiện rải rác trong dự án Luật. Các quy định về thu thập chứng cứ, cung cấp chứng cứ, giao nộp chứng cứ, quyền của đương sự, tổ chức đối thoại... đều thể hiện quá trình tranh tụng. Tuy nhiên, quy định về bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính tại dự án Luật còn mang tính khái quát, chưa viện dẫn các quy định, điều luật liên quan, cần bổ sung cho đầy đủ hơn.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) kiến nghị: Để quy định về bảo đảm quyền tranh tụng trong tố tụng hành chính được thể hiện một cách đầy đủ, dự án Luật cần thiết kế riêng một điều về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hành chính. Đây là điều rất cần thiết .
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) nhưng nhiều đại biểu cũng để nghị ban soạn thảo cần quán triệt quan điểm chỉ những vấn đề nào bất cập trong thực tiễn, đã có sự tổng kết, đánh giá tác động cụ thể, rõ ràng thì mới sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hành chính.
* Bảo đảm tính chính xác, khách quan về thông tin thống kê quốc gia Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Nguyệt Hường phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Thống kê nhằm khắc phục những bất cập của Luật thống kê hiện hành; đồng thời, việc sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động thống kê nhà nước và hoạt động thống kê ngoài nhà nước.
Đồng tình với phạm vi điều chỉnh bao gồm thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận định: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với thống kê ngoài nhà nước đã thể hiện sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện của dự án Luật đối với hoạt động thống kê của toàn xã hội. Việc quy định thống kê ngoài nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) nêu quan điểm: Mở rộng đối tượng thống kê ngoài nhà nước vào dự án Luật là phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Tuy vậy, dự án Luật chủ yếu điều chỉnh quy định về thống kê nhà nước, chưa chú trọng đến thống kê ngoài nhà nước, tạo nên sự mất cân đối. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định thống kê ngoài nhà nước, xác định quyền, nghĩa vụ, lĩnh vực thống kê ngoài nhà nước không được làm. Đối với trường hợp cần thiết, có thể giao Chính phủ quy định. Đại biểu Trần Thanh Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị nên có chương riêng về hoạt động thống kê ngoài nhà nước vì hiện nay hoạt động này ngày càng phát triển. Luật cần quy định rõ về chế tài tính trách nhiệm, chuẩn xác, tính trung thực của cơ quan thống kê ngoài nhà nước cũng như sự quản lý của cơ quan chức năng đối với hệ thống này.
Liên quan đến quy định về tổ chức thống kê nhà nước, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng không nên để cơ quan thống kê nhà nước trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bởi cơ quan này chịu trách nhiệm thống kê các số liệu đồng thời hoạch định chính sách. Để bảo đảm tính độc lập, khách quan của các cơ quan thống kê nhà nước, đại biểu đề xuất cần giao Chính phủ trực tiếp quản lý cơ quan này. Đồng tình với việc tách cơ quan thống kê nhà nước khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng các đại biểu Bùi Thị An, Phạm Huy Hùng (Hà Nội)... cho rằng cơ quan này nên thuộc quyền quản lý của Quốc hội.
Các đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Trần Thanh Hải (Bến Tre), Bùi Thị An, Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội)... đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến tính chính xác của các con số thống kê quốc gia. Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nêu ý kiến cần quy định rõ về nguồn gốc thông tin cho thống kê quốc gia. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị dự án Luật cần quy định rõ phương pháp thống kê thống nhất với chỉ tiêu thống kê; nêu rõ kỳ công bố thông tin thống kê quốc gia ngay trong luật để bảo đảm tính chính xác, khách quan... Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng số liệu thống kê có sự chênh lệch lớn trong từng thời điểm (số liệu thống kê ước tính, số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê chính thức), đại biểu đề nghị quy định rõ địa chỉ cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm nếu số liệu thống kê giữa các thời điểm khác xa nhau. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đề nghị dự án luật quy định rõ quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công bố thông tin thống kê và quy định lịch công bố thông tin thống kê bảo đảm kịp thời cho việc hoạch định chính sách và đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân.