Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, chiều 12/8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Dự án luật sẽ được trình Quốc hội khóa XIII thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường thủy theo hướng ngày càng hiện đại, đáp ứng các điều kiện mới của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thủy nói riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN |
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc của dự án luật cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước; nghiên cứu để quy định rõ ràng, hợp lý, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất, phù hợp với các luật có liên quan.
Đồng thời, ban soạn thảo cũng cần tiếp tục rà soát lại các quy định theo hướng hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chi tiết thi hành; đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất để thuận lợi trong triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi sau khi luật được ban hành.
Nhiều đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định tập trung vào những bất cập liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa như: quy hoạch, quản lý kết cấu hạ tầng, các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, điều kiện tham gia hoạt động thủy nội địa, cứu hộ, cứu nạn... Có ý kiến đề nghị dự án luật cần bổ sung thêm trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thẩm định, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy vì mục đích quốc phòng an ninh.
Liên quan đến điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, vận tải trên đường thủy nội địa, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo phân tích thêm về kết quả công tác đăng ký, đăng kiểm để trên cơ sở đó có điều chỉnh các quy định liên quan để quản lý phương tiện cho phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn cho việc giao thông trên mặt nước nói chung.
Đối với việc xác định luồng, tuyến thủy nội địa, nhiều ý kiến cho rằng do đặc điểm tự nhiên của nước ta, vùng đồng bằng sông Cửu Long có kênh rạch chằng chịt, vùng đất ngập nước rất rộng lớn; trong khi đó, ở khu vực miền Bắc và miền Trung các con sông có độ dốc lớn, mức nước chênh lệch giữa mùa cạn và mùa lũ rất lớn nên việc quy định luồng, tuyến cố định, có phao tiêu, cột mốc, báo hiệu cho mọi con sông, vùng miền là rất khó khả thi. Mặt khác, hoạt động giao thông thủy nội địa diễn ra trên những địa hình có đặc điểm thủy văn khác nhau... Vì vậy, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ đặc điểm này để có sửa đổi thích hợp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị dự thảo Luật rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến thuyền viên và người điều khiển phương tiện, tạo điều kiện tạo điều kiện cho người có chuyên môn, sức khỏe, đủ khả năng tham gia giao thông đường thủy. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc cần bổ sung vào dự án luật quy định về quyền, nghĩa vụ của hành khách.
Quy định về cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy cũng được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Các đại biểu nêu rõ: Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Bên cạnh đó, công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng trong quản lý vận tải hành khách; ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa... còn nhiều bất cập.
Mặc dù dự án luật đã có một chương riêng về việc này nhưng quy định còn chung chung, đơn giản. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết hơn về sự phối hợp, trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn trong hoạt động cứu nạn; trong đó, nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý đường thủy nội địa trước, trong, sau khi xảy ra tai nạn; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm đen, các công trình trọng điểm trên sông trong mùa bão lũ...
Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị dự án luật cần bổ sung các quy định xử lý nghiêm trách nhiệm của người chứng kiến tai nạn mà không cứu, không báo với cơ quan chức năng...
Phúc Hằng