Tại cuộc thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân và cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Nhất trí với dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Bổ sung Kiểm ngư và Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra để phúc đáp những yêu cầu thực tiễn đặt ra đối phó với loại tội phạm rất nghiêm trọng về công nghệ cao, từ đánh bạc, lừa đảo, thậm chí tham nhũng cũng sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, phúc đáp trong việc phát triển kinh tế biển gắn với giữ vững chủ quyền biển đảo.
Ông Đương cũng nhấn mạnh: Riêng đối với cơ quan thuế, đây không phải là vấn đề mới. Vấn đề này đã được các cơ quan tổ chức nghiên cứu rất nhiều vì lo ngại có nhiều cơ quan điều tra, liên quan đến việc khởi tố, bắt người. Đặc biệt, trong điều kiện cải cách tư pháp phải chú ý đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Việc Đảng ta đã có chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra, không phát sinh thêm cơ quan điều tra ở trong nội địa và địa bàn hoạt động của họ gắn liền với hoạt động của cơ quan điều tra chuyên trách. Hoạt động điều tra phải tránh oan, sai; chuyên nghiệp.
Đây là hai yếu tố rất quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống kịp thời và có hiệu quả chuyên nghiệp, nhưng đồng thời cũng để tránh oan, sai. Việc quản lý đòi hỏi các cơ quan chức năng có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ; cơ chế luật pháp, để đảm bảo phải tập trung tinh thông và không nên tràn lan mở rộng các cơ quan điều tra. Do đó chỉ cần bổ sung cơ quan Kiểm ngư và Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để kịp thời đáp ứng thực tiễn đặt ra.
* Cần quy định rõ trách nhiệm đối với công an cơ sở
Góp ý về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, nhiều đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm của các lực lượng này là phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, một số đại biểu không nhất trí với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an vì lực lượng này không có nghiệp vụ cơ bản trong hoạt động điều tra.
Nhất trí với quy định về trách nhiệm của công an xã, phường, đồn công an như quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) phân tích: Trước đây từ thực tế cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng này luôn giữ vai trò, vị trí, chức năng rất quan trọng.
Vì đây là lực lượng thường xuyên, trực tiếp giải quyết nhiệm vụ công tác ở cơ sở; gắn bó mật thiết với nhân dân; nắm chắc tình hình, quản lý chặt các đối tượng; trực tiếp tiếp nhận các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở hoặc do nhân dân trình báo, để xử lý hoặc báo cáo cơ quan cấp trên...
Mặt khác, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an đã là lực lượng công an chính quy được đào tạo bài bản về trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc các trường công an nhân dân. Do đó, lực lượng này đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo Pháp lệnh Công an xã và Luật Công an nhân dân. Hiện tại, lực lượng công an xã, phường, thị trấn, đồn công an đang phát huy tốt chức trách nhiệm vụ được giao, cơ bản đáp ứng tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; được nhân dân tin cậy.
Do đó, đại biểu Dân thống nhất với quy định về trách nhiệm của Công an xã, phường, đồn công an như quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định của công an xã, phường, đồn công an để lực lượng này có đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật đã nêu, đại biểu Lê Đông Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Trong thực hiện cơ quan điều tra có chức năng xử lý tin báo tố giác tội phạm, nhưng thực tế công tác thấy rằng tin báo đến với công an cơ sở rất nhiều. Do đó, quy định như dự thảo Luật là phù hợp.
Tuy nhiên, ở khoản 3 Điều 44 (Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; dẫn giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền), đại biểu đề nghị điều chỉnh:
Không dùng cụm từ “bắt giữ” như trong dự thảo, bởi vì dễ gây ngộ nhận; chỉ cần ghi là lập biên bản bắt người là đủ. Đại biểu cũng đề nghị không dùng cụm từ “dẫn giải” người bị bắt trong trường hợp này và nên sử dụng cụm từ “áp giải”. Bởi, theo khoản 15 của Điều 4 dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự việc dẫn giải không điều chỉnh loại đối tượng này và đề nghị bổ sung người bị bắt vào trong khoản 14, giải thích về biện pháp áp giải. Như vậy, sẽ phù hợp hơn với thực tế công tác và đối tượng phải chịu các biện pháp cưỡng chế.
Vấn đề này, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng, theo quy định của dự thảo Luật, khi Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, thì lập biên bản, tiến hành kiểm tra sơ bộ và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Ngoài ra, Công an xã có thể lấy lời khai ban đầu...
* Thành lập Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu
Góp ý về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo Luật về việc hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ; thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.
Thống nhất cao với việc bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm buôn lậu thuộc hệ thống cơ quan điều tra như đã quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 của dự thảo Luật, đại biểu Lê Đông Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Quy định như vậy phù hợp với yêu cầu đấu tranh đối với tội phạm buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong tình hình hiện nay. Trong thời gian tới loại tội phạm này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Tương tự như vậy, đại biểu thống nhất với việc bổ sung Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan được tham gia một số hoạt động điều tra. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong tình hình hiện nay và đáp ứng được yêu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Việc bổ sung thêm hai cơ quan này cũng không làm tăng thêm đầu mối cơ quan điều tra.
Đồng tình như quy định của dự thảo Luật đã quy định, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng: Việc quy định như vậy là hợp lý, rõ ràng, ràng mạch, phù hợp với đấu tranh phòng ngừa chống tội phạm trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ủng hộ cao việc bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu của Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an đã được thành lập tháng 4/2015 và Phòng Cảnh sát điều tra về buôn lậu của cơ quan Công an cấp tỉnh sẽ thành lập trong thời gian tới thuộc hệ thống cơ quan điều tra trong Công an nhân dân được quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều 18 dự thảo Luật.
Việc quy định này sẽ khắc phục được tình trạng yếu kém từ nhiều năm nay trong công tác phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ. Trong nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã được phát hiện nhiều, nhưng xử lý chủ yếu là xử lý hành chính; còn xử lý hình sự rất ít.
Hiện nay và trong thời gian tới tình hình buôn lậu, hàng giả, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi và có xu hướng tăng. Nếu không quy định Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu và Phòng Cảnh sát điều tra về buôn lậu trong hệ thống tổ chức cơ quan điều tra Công an nhân dân thì sẽ khó khăn trong việc đầu tư kinh phí, phương tiện, lực lượng, xây dựng cơ quan này trở thành cơ quan chuyên trách để phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm buôn lậu.
Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận các nội dung khác của dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự như vấn đề: điều tra viên; cán bộ điều tra…
Theo chương trình, sáng 19/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật dược (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật an toàn thông tin mạng và thảo luận về dự án Luật đấu giá tài sản.