Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ Thành phố, đại diện các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, chỉ huy 9 phòng nghiệp vụ và công an 24 quận, huyện của Thành phố tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh (nguyên Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an) và Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an), thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày những nét mới của 7 dự án Luật liên quan đến công tác Công an, gồm: Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật cư trú (sửa đổi); Luật biên phòng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, trong quá trình xây dựng các dự án Luật, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia góp ý, cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ thông tin, tư liệu, vụ việc thực tiễn tại địa bàn cơ sở có liên quan đến công tác Công an cho Ban nghiên cứu. Ban nghiên cứu đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của Công an Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng các dự án Luật.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết của việc sửa đổi bổ sung, ban hành mới các dự án Luật liên quan đến công tác Công an. Quan tâm đến Luật cư trú (sửa đổi), bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Luật đã đáp ứng được chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính mà cụ thể ở đây là bỏ sổ hộ khẩu.
Tuy nhiên, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn khi điều này được áp dụng vào đời sống thì các Luật khác liên quan có kịp thời điều chỉnh đồng bộ không, trong khi hiện nay trong mọi thủ tục hành chính khác đều yêu cầu sổ hộ khẩu. “Nếu sửa đổi Luật cư trú mà các luật khác liên quan đến thủ tục hành chính không sửa hoặc sửa không kịp sẽ mang lại phiền hà cho người dân”, bà Tuyết băn khoăn. Bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, cử tri Thành phố rất ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu nhưng mong Ban nghiên cứu của Bộ Công an cân nhắc thời điểm áp dụng để không ảnh hưởng đến người dân.
Liên quan đến Luật biên phòng Việt Nam, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, các đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với các ngành liên quan để nghiên cứu, góp ý sao cho trong dự án Luật xác định rõ trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an địa phương tại khu vực biên giới để đảm bảo tính thống nhất trong quy định pháp luật, tránh sự chồng lấn trong khi thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, liên quan đến Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội Thành phố còn băn khoăn rằng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không được xem là công vụ, khi xảy ra sự chống đối, cần có điều luật quy định để bảo vệ những người tham gia lực lượng này.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, buổi hội thảo như một phương pháp báo cáo tác động trên cơ sở khoa học thực tiễn, qua đó cung cấp thêm thông tin có giá trị tham khảo, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án Luật trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới và yêu cầu quản lý Nhà nước, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn. Những dự án Luật này cũng nhằm đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân và cụ thể hóa chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Thời gian tới, Công an Thành phố trong quá trình thi hành pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để chủ động nghiên cứu, nghiêm túc góp ý các dự án Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khi có đề nghị từ Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố và Bộ Công an, góp phần nâng cao hiệu quả công tác và chiến đấu của ngành.