Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và góp ý vào Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân năm 2011; Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XII.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XII. Tại các kỳ họp này, cử tri ở nhiều địa phương kiến nghị về việc các cơ sở giáo dục thu nhiều khoản đóng góp khác ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, không đúng quy định của pháp luật. Một số vướng mắc và việc chậm thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học theo quy định tại Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 của Quốc hội cũng được nhiều cử tri kiến nghị. Báo cáo nhận định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm”. Đáng lưu ý là khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học; mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập; bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo...
Về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng được hưởng (theo quy định tại Nghị quyết 35/2009/NQ-QH12 của Quốc hội), việc chậm thực thi là do cơ quan có thẩm quyền chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, cho đến nay, nhiều địa phương chưa thực hiện được việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng được thụ hưởng.
Ban Dân nguyện đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT, nhằm bảo đảm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh vào việc sửa chữa, xây dựng trường, lớp học, mua sắm các trang thiết bị học tập...
lChiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Các ý kiến đều thống nhất cần phải làm rõ tính khả thi và chất lượng dự án luật, pháp lệnh đã ban hành đi vào cuộc sống ở mức độ nào. Các dự án luật phải tập trung thể chế hóa được các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI. Ưu tiên đưa vào Chương trình những dự án cần thiết phải ban hành thuộc Chương trình chưa được Quốc hội khóa XII thông qua và chỉ đưa vào các dự án đã thuyết minh rõ ràng, kiên quyết không đưa những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011 – 2016) gồm 115 dự án (3 bộ luật, 104 luật, 1 nghị quyết của aQuốc hội, 6 pháp lệnh và 1 nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội).
Các dự án được phân thành 6 lĩnh vực theo các tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị. Có 11 dự án thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; 8 dự án luật trong lĩnh vực quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; 34 dự án thuộc lĩnh vực dân sự, kinh tế; 40 dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; 21 dự án trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và 1 dự án luật trong lĩnh vực pháp luật về hội nhập quốc tế là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
Tại phiên họp, đa số các ý kiến đề nghị nghiên cứu dự án Luật về Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng Luật Chủ tịch nước là rất cần thiết vì hiện nay, vai trò, chức năng của Chủ tịch nước được quy định tại chương 7 Hiến pháp là rất khó thực hiện.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan liên quan chuẩn bị văn bản để đưa vào kỳ họp tới.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị đưa vào Chương trình dự án Luật Dân tộc, sửa đổi Luật Thi đua – Khen thưởng. Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục đưa các dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào Chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn chỉnh Chương trình để báo cáo Bộ Chính trị.
Quỳnh Hoa - Chu Thanh Vân