Ngày thứ ba của lễ viếng Đại tướng, Hà Nội vẫn nắng vàng óng ả trong bầu trời lồng lộng của mùa thu. Trên đường Hoàng Diệu, dòng người trật tự nép vào bên tường, nhích từng bước từ phía Lăng Bác về tới số nhà 30. Tất cả tâm trí và tấm lòng của dòng người đang hướng về phía trước, phía cánh cổng sắt với hàng cây cổ thụ cao đầy bình yên, nơi bên trong có bàn thờ vị "Đại tướng của nhân dân".
Trật tự và nghiêm túc, là cảm giác chung của dòng người tới viếng - những người lần đầu tiên có mặt tại con đường Hoàng Diệu trong những ngày này. Nghiêm túc và chuyên nghiệp, là cảm giác chung về những người phục vụ cho lễ viếng, những người đã 3 ngày nay lặng lẽ làm nhiệm vụ của mình, miệt mài và cần mẫn, không biểu hiện mệt mỏi dù ngày nào cũng từ sáng tới hơn 18 giờ (khi hết giờ viếng) mới xong việc. Thậm chí là muộn hơn, bởi còn việc xếp dọn, chuẩn bị cho lễ viếng ngày hôm sau. Công việc của họ sẽ kéo dài suốt tuần này và ai cũng sẵn sàng, bởi được phục vụ Đại tướng, với họ là một vinh dự, như tâm sự của một thanh niên tình nguyện ở đây.
Hàng chục nghìn người dân, từ mọi miền Tổ quốc lặng lẽ xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lê Phú |
Người đến viếng gửi xe ở Hoàng thành Thăng Long, mỗi ngày vài chục ngàn xe vào ra, nhưng tất cả đều quy củ. Những thanh niên, sinh viên tình nguyện đứng dọc đường vào chỗ gửi xe, phân luồng, ghi vé, hướng dẫn khách dắt xe về đúng chỗ, hoàn toàn miễn phí và với một thái độ hòa nhã như chưa từng có. Xe ra ở cổng Nguyễn Tri Phương, theo một hành trình được hướng dẫn sẵn, cũng lại trật tự và nghiêm túc. Không có ồn ào, náo nhiệt, dù chỉ là ở điểm trông xe và dù là người viếng cứ nườm nượp chưa lúc nào dứt trong suốt thời gian viếng trong ngày.
Những bông hoa người dân mang đến nhà riêng để tưởng niệm đại tướng. Ảnh: Lê Sơn |
Hòa vào dòng người, chúng tôi lặng lẽ nhích từng bước qua cánh cổng sắt để vào viếng Đại tướng. Không có nhiều nước mắt rơi trong dòng người đang từ từ tiến vào, cũng không có nhiều nước mắt rơi trong dòng người đang lặng lẽ tiến ra sau khi đã vào viếng. Những khuôn mặt cũng không quá đau đớn, bi lụy, nhưng nghiêm túc và thành kính tuyệt vời. Và quan trọng hơn, là sự ấm nồng của tình cảm đã lan tỏa khắp trong không gian của nhà số 30. Sự vắng vẻ, sự lặng lẽ dường như không còn nữa, cái tĩnh lặng của con phố Hoàng Diệu trước đây cũng không còn...
Tình đồng bào, có lẽ là vậy, đã tạo nên sự ấm áp ấy. Dựa vào nhau, níu vào nhau, lặng lẽ bên nhau... kiên nhẫn chờ tới lượt, không chen ngang, không phàn nàn, không tiếc thời gian. Dù vẫn biết lâu nay dân mình đang sống với nhịp độ nhanh. Và quan trọng, là sự níu nhường rất đáng để tâm, cũng như sự quan tâm rất đáng để nghĩ tới của những người lính cảnh vệ, những sinh viên tình nguyện của Thành đoàn Hà Nội. Dù vẫn nhịp nhàng với công việc phân luồng của mình, dù vẫn kiên nhẫn nhắc mọi người đi đúng hàng một và nép vào phía bên phải để nhường đường cho dòng người đi ra, nhưng họ không để sót bất cứ một em nhỏ nào, một người già nào. "Kính già, nhường trẻ", những bà mẹ có con nhỏ, những người cha dẫn theo con đi viếng "cụ", những cụ già... đều được mời tách đoàn để vào trước và có tình nguyện viên dẫn vào tận trong nơi đặt bàn thờ.
Lòng dân là đây! Hình ảnh một người cha, với hai con nhỏ đều ở tuổi mẫu giáo, chắc vừa đón con từ trường về, tay bế con, tay xách ba lô... hớt hải vào viếng "cụ". Hình ảnh một cụ già, lưng đã còng gập, sức đã yếu, phải có hai người xốc hai bên, nhưng vẫn trèo những bậc thang cao để vào căn phòng đặt bàn thờ Đại tướng. Rồi những đoàn các cụ, áo dài màu "dà", đeo huy hiệu có hình Đại tướng, trật tự xếp hàng... chờ tới lượt mình.
Không có nhiều thời gian cho mọi người lưu lại, luôn là những nhắc nhở của tình nguyện viên với dòng người là mời mọi người đi nhanh để nhường đường cho những người phía sau, của người lính cảnh vệ là mọi người hãy vừa đi vừa viếng Đại tướng, không dừng lại để nhường chỗ cho những người khác... Chỉ có một khoảnh khắc để vượt qua chiếc trống đồng đặt phía trước bàn thờ, tới trước chiếc bàn thờ nhỏ và giản dị, với bức ảnh Đại tướng mặc quân phục trắng, và lặng lẽ một cúi lạy Người...
Nhưng chỉ thế thôi cũng đã là đủ tràn cảm xúc khi được tới chiêm bái vị "Đại tướng của nhân dân"- người đã khiến lòng người "phát tang" ngay trước khi tang lễ được tổ chức. Người đã khiến cho những bó hoa của dòng người đến viếng tràn cả khoảnh sân phía trước, tràn những bậc cửa của căn nhà bên trong, tràn dọc con đường vào viếng. Rất nhiều trong đó là hoa cúc vàng - loài hoa của mùa thu Hà Nội.
Hà Nội đang sống cùng Người những ngày cuối cùng, trước khi Người trở về với mảnh đất Quảng Bình quê hương. Những ngày đẹp nhất của mùa thu Hà Nội. Vậy nên, tiếc thương không có nghĩa là phải rơi nước mắt. Tiếc thương nghĩa là thắp lên sự ấm áp trong tim mỗi chúng ta, về một tình yêu với Người và với nhau; thức dậy một lẽ sống, một niềm tin về những điều cao cả, mà chính Người là ngọn nguồn cho dòng sông cảm hứng dâng trào.
P.V