Thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị Việt Nam -Kuwait

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nhà nước Kuwait Sheikh Jaber Al-Mubarak Al-Hamad Al-Sabah, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sẽ thăm chính thức Nhà nước Kuwait từ ngày 26 – 27/10/2019.

Đây là chuyến thăm có ý nghĩa trong quan hệ giữa Việt Nam - Kuwait nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Kuwait sau 10 năm kể từ chuyến thăm năm 2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Duy trì mối quan hệ chính trị tốt đẹp

Việt Nam và Kuwait thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 10/1/1976. Đây là quốc gia đầu tiên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và là một trong những quốc gia Trung Đông đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau năm 1975. Việt Nam trân trọng sự ủng hộ chí tình của Kuwait trong những năm tháng cực kỳ khó khăn đó.

Kế tục truyền thống tốt đẹp này, Việt Nam và Kuwait luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau cho tới ngày nay. Trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Kuwait năm 1995. Kuwait cũng là nơi Việt Nam mở Văn phòng đại diện thương mại đầu tiên tại khu vực Trung Đông năm 1993.

Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ hai nước có những bước ngoặt quan trọng. Chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Kuwait Nasser Al Mohammed Al-Jaber Al Sabah (năm 2007) và chuyến thăm chính thức Kuwait đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2009) đánh dấu mốc mới trong quan hệ hai nước. Sau khi Việt Nam mở Đại sứ quán tại Kuwait năm 2003, Kuwait là quốc gia Ả rập đầu tiên trong số các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh mở Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán tại Việt Nam năm 2007.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sheikh Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabad thăm chính thức Việt Nam, ngày 6/5/2016. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Năm 2016, Việt Nam và Kuwait kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa đã được tổ chức, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, quảng bá một Việt Nam giàu truyền thống, đổi mới và cởi mở.

Các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước gồm có: Ủy ban Hỗn hợp, hai bên đã tiến hành Kỳ họp lần 1 Ủy ban hỗn hợp vào tháng 12/2009 tại Hà Nội và Phiên họp kỹ thuật của Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ hai vào tháng 7/2019 tại Kuwait. Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, hai bên đã tổ chức 3 phiên Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng. Phiên họp gần đây nhất được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2018.

Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Kuwait đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Hợp tác đi vào chiều sâu

Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam - Kuwait phát triển mạnh mẽ. Kuwait là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại khu vực với kim ngạch song phương hàng năm trung bình đạt khoảng 700 triệu USD giai đoạn 2011-2014. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 2,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu hơn 2,5 tỷ USD, chủ yếu là dầu mỏ. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sản phẩm dệt may, hàng hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng rau quả, hạt tiêu, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ... Tháng 2/2016, Chính phủ Kuwait đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức vận hành thương mại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tháng 12/2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Về hợp tác đầu tư, Tổng Công ty Dầu khí Kuwait đang cùng phía Nhật Bản tham gia dự án Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD và cam kết cung cấp dầu thô lâu dài cho Nhà máy. Dự án đã khởi công vào tháng 10/2013 và tổ chức Khai trương Lễ vận hành thương mại vào tháng 12/2018. Đây là dự án nhà máy lọc dầu lớn nhất và duy nhất hiện nay của Kuwait tại châu Á với công suất 200 nghìn thùng/ngày, đáp ứng 40% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước của Việt Nam.  

Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Kuwait. Tuy nhiên, từ 2008, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như giá dầu thế giới giảm mạnh nên nhu cầu tiếp nhận lao động của Kuwait giảm đáng kể. Kể từ năm 2018, khoảng 1300 lao động Việt Nam làm việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, dầu khí tại Kuwait. Hàng năm, Kuwait dành cho Việt Nam 5 suất học bổng học tiếng Arab tại Đại học Quốc gia Kuwait. Khách du lịch từ Kuwait vào Việt Nam gần đây tăng mạnh. Dự tính số lượng khách năm 2019 có thể tăng tới 60% so với năm 2018.

Những năm qua, hai bên đã ký kết các hiệp định, thỏa thuận như: Hiệp định khung hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật; Hiệp định Thương mại; Hiệp định vận chuyển hàng không; Nghị định thư Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; Thỏa thuận hợp tác văn hóa - nghệ thuật; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thể thao…

Đến nay, Việt Nam đã ký kết vay vốn Quỹ Kuwait cho 16 dự án (bao gồm các dự án chuẩn bị ký), với tổng số vốn cam kết lên tới 57,75 triệu Đina Kuwait (tương đương 190 triệu USD). Hiện 7 dự án ODA đang triển khai: Dự án phát triển đa mục tiêu ở huyện Xìn Mần, tỉnh Hà Giang; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc, tỉnh An Giang; Dự án nâng cấp hạ tầng thủy lợi ở Hải Hậu, Nam Định; Dự án phát triển nông thôn đa mục tiêu ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình; Cơ sở hạ tầng ở Hà Tĩnh; Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Chà Tở – Mường Tùng, tỉnh Điện Biên. Chính phủ Kuwait viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam hỗ trợ khắc phục thiệt hại lũ lụt tại miền Trung Việt Nam 3 triệu USD năm 2013 và 225.000 USD năm 2017.

Chuyến thăm chính thức Kuwait lần này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là dịp quan trọng để hai bên đánh giá những tiến triển trong quan hệ hai nước thời gian qua, đồng thời trao đổi các biện pháp, phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, nhất là trong những lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng, thế mạnh và có tính bổ trợ nhau trong hợp tác như năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, lao động, du lịch… Ngoài ra, đây cũng là dịp để hai bên trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp song phương bên lề Lễ đăng quang của Nhà Vua Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp song phương bên lề Lễ đăng quang của Nhà Vua Nhật Bản

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 22/10, sau khi dự Lễ Đăng quang của Nhà vua Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp song phương với Thủ tướng Séc Andrei Babis, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Tổng thống Albania Ilir Meta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN