Chia sẻ bên lề Đại hội, các đại biểu đánh giá cao vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bằng những chương trình hành động thiết thực, đề cao và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần to lớn vào quá trình xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bày tỏ sự phấn khởi khi được về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, đại biểu Trần Trọng Phúc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thái Bình nhận thấy, công tác tổ chức Đại hội được thực hiện hết sức bài bản, với độ hoàn thiện cao.
Hướng tới Đại hội lần thứ X, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai đại hội các cấp để đánh giá vai trò của Mặt trận trong 5 năm qua, qua đó, khẳng định vai trò, vị thế trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng những hình thức khác nhau, trong đó tiêu biểu là hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có nhiều góp ý, đề xuất với Đảng, chính quyền để điều chỉnh, hoàn thiện các chế độ, chính sách cho phù hợp. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện vai trò kết nối, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Qua đó, vai trò của Mặt trận ngày càng được chú trọng và nhân lên từ các cấp xã, huyện, tỉnh đến Trung ương.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức thành viên, luôn nỗ lực xây dựng lòng tin với nhân dân, với Đảng, Nhà nước. Ông Trần Trọng Phúc khẳng định, để mọi chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào lòng dân và nhận được sự đồng thuận, thực hiện, phải kể đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc - trung tâm của khối đại đoàn kết.
Vừa qua, Quỹ Cứu trợ Trung ương đã vận động được trên 2.000 tỷ đồng để ủng hộ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo việc sao kê, công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương, đã nhận được sự đồng tình, khen ngợi từ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, nhân lên gấp bội tình dân tộc, nghĩa đồng bào và những tấm lòng thảo thơm, ấm áp.
Theo ông Trần Trọng Phúc, việc công bố sao kê cũng là một sự đổi mới trong phương thức hoạt động của Mặt trận, thể hiện sự minh bạch, khách quan. Qua đó, những dư luận không rõ ràng từ trước đến nay đã được làm sáng tỏ, các con số về nguồn lực ủng hộ được công khai, người dân rất tin tưởng, phấn khởi.
Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc công khai, minh bạch các kết quả từ những đợt huy động, vận động hay các nguồn đóng góp đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện từ trước và dưới nhiều hình thức khác nhau. Vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã sử dụng phương thức công khai sao kê của các ngân hàng về sự đóng góp, ủng hộ của các tập thể, cá nhân.
"Đây cũng là một hình thức công khai, minh bạch về huy động các nguồn lực của nhân dân. Tôi cho rằng đây là một trong những kênh để các tập thể, cá nhân và nhân dân có thể theo dõi, biết được sự tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong các đợt phát động của Mặt trận Tổ quốc; thể hiện tính minh bạch trong việc huy động các nguồn lực trong xã hội", bà Nguyễn Thị Phương đánh giá, đồng thời khẳng định đây là một kênh rất tốt để nhân dân có thể tham gia cùng với Mặt trận trong việc giám sát sự đóng góp từ các nguồn cho công tác cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chia sẻ về vai trò của các tôn giáo trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thượng Chánh Phối sư Huỳnh Thanh Phong (Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên) khẳng định, thời gian qua, nhiều tôn giáo đã tích cực tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông gắn với những buổi giảng đạo và trong các ngày lễ tôn giáo.
Để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo vệ môi trường, Thượng Chánh Phối sư Huỳnh Thanh Phong cho rằng, sự tham gia của đồng bào tôn giáo có vai trò rất quan trọng dù đây là những cộng đồng có đời sống tinh thần đặc thù, phụ thuộc vào đức tin tôn giáo.
Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên đã đề ra các giải pháp trong lĩnh vực này như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tín đồ, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò, vận động sự tham gia của các chức sắc, tín đồ trong tuyên truyền, phát động các phong trào về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Hội thánh cũng tổ chức in ấn, biên soạn, cung cấp cho cộng đồng các tài liệu về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; những quy định trong giáo luật, giáo lý về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong cộng đồng tín hữu Cao Đài...
Thượng Chánh Phối sư Huỳnh Thanh Phong cho hay, song song với việc triển khai các giải pháp góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng về bảo vệ môi trường, Hội thánh còn lồng ghép các chuyên đề về môi trường vào các buổi sinh hoạt tôn giáo định kỳ hàng tháng nhằm tăng cường xây dựng năng lực tự ứng phó và giúp nhau ứng phó giữa các cộng đồng tôn giáo, giữa người có tôn giáo và người không tôn giáo khi có rủi ro thiên tai xảy ra.
Tiếp tục chương trình Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chiều 17/10, các đại biểu chia tổ thảo luận tại 5 trung tâm thảo luận của Đại hội. Sau đó, Đại hội thông qua Đề án nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X; hiệp thương cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.