Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Thừa Thiên - Huế là tình yêu thương bao la cùng hệ thống di tích lưu niệm vô cùng quý giá đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Địa phương luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của Người để lan tỏa và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Dấu ấn của Người trên đất Cố đô
Nếu như Nghệ An là quê hương - nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thì Cố đô Huế được xem là quê hương thứ hai - nơi in đậm dấu ấn về thời niên thiếu của Người. Nơi đây đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch, để từ đó Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Năm 1895, rời Làng sen xứ Nghệ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Bác Hồ) theo gia đình vào Huế để cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia kỳ thi Hội. Vào đây, gia đình Nguyễn Sinh Cung thuê được một gian nhà nhỏ tại đường Đông Ba, nay là nhà số 158, đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế. Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học tại làng Dương Nỗ, nay thuộc xã Phú Dương, thành phố Huế. Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây vừa để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình và cũng để ông Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện dạy cho hai con đã đến tuổi học chữ. Ở đây, ông Nguyễn Sinh Sắc được gia đình ông Nguyễn Sĩ Độ giao cho ngôi nhà tranh làm chỗ ở, đồng thời cũng là nơi mở lớp dạy học. Tại ngôi nhà này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm được chính người thầy và cũng là người cha của mình khai tâm bằng những bài học chữ Hán đầu tiên. Hai năm theo học cùng cha tại đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành học trò thông minh xuất sắc của lớp. Những kiến thức mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung tiếp thu được trong thời gian này là nền móng vững vàng cho sự phát triển về học vấn sau này.
Kỳ thi Hội khoa Tân Sửu 1901, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng. Tháng 5/1906, ông vào Kinh nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ, là thuộc quan của triều đình. Nguyễn Sinh Cung và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm lại theo cha vào Huế sinh sống và học tập từ năm 1906 - 1909. Trong giai đoạn này, Nguyễn Sinh Cung học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và là một trong 10 học trò giỏi nhất của Trường được thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại Trường Quốc học Huế, niên khóa 1908- 1909.
Những năm tháng chàng trai Nguyễn Tất Thành (tên gọi khác của Bác Hồ lúc còn đi học) học tại Trường Quốc học Huế đã giúp nhận thấy rõ hơn sự mục nát của chế độ phong kiến nhà Nguyễn; hiểu rõ bản chất của bọn thực dân Pháp ẩn nấp dưới mỹ từ “khai hóa thuộc địa” và nuôi dưỡng khát khao muốn đi tìm đường cứu nước. Cũng trong thời gian này, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân Thừa Thiên - Huế trước Tòa Khâm sứ Trung kỳ vào năm 1908. Sau khi rời mái Trường Quốc Học Huế, Nguyễn Tất Thành đã vào Nam, rồi sang phương Tây tìm đường cứu dân, cứu nước năm 1911.
Tại Thừa Thiên - Huế còn nhiều địa điểm ghi dấu ấn của Người như: Tòa Khâm sứ Trung kỳ, di tích Tam Tầng, di tích Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Am Bà, Bến Đá, địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan… Đây là những “địa chỉ đỏ”, điểm tham quan nổi tiếng. Qua đó, giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 20 di tích và điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2021, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế (gồm 4 di tích) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm: Nhà lưu niệm Bác Hồ (ở đường Mai Thúc Loan), Trường Quốc học, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở làng Dương Nỗ) và đình làng Dương Nỗ (tại thành phố Huế).
Nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trân trọng gìn giữ, trùng tu, tôn tạo. Riêng trong năm 2021, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên – Huế phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành chỉnh lý Nhà trưng bày bổ sung thuộc cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ; chỉnh lý việc trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ và truyền thống, Trường Quốc Học cho khoa học hơn.
Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế, hàng năm có khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng và các điểm di tích nơi Bác và gia đình từng sinh sống tại Huế. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, khoảng 75.000 lượt khách đã đến tham quan những địa điểm này.
Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh đang tích cực triển khai Đề án "Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên - Huế phục vụ phát triển du lịch" với mục tiêu phát triển du lịch Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, phù hợp với các quy hoạch, chương trình trọng điểm phát triển du lịch - dịch vụ của tỉnh.
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế Lê Thùy Chi cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, Bảo tàng phối hợp với ngành du lịch xây dựng những tour du lịch khép kín từ việc gắn kết các di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các di tích cách mạng, Quần thể di tích Cố Đô Huế và các làng nghề truyền thống; tăng cường quảng bá để thu hút các đoàn khách du lịch; mở rộng không gian trưng bày tại Đình làng Dương Nỗ. Đối với các di tích cấp quốc gia đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh chỉ đạo Bảo tàng thực hiện các thủ tục lập quy hoạch tổng thể đối với 4 di tích; xây dựng đề án trình cấp trên để tu bổ và tôn tạo các di tích; đồng thời phối hợp với UBND thành phố Huế duy tu, bảo dưỡng hệ thống cây cảnh và cảnh quan, tạo diện mạo mới cho di tích.
Học tập và làm theo lời Bác
Những ngày tháng 5 lịch sử, hòa chung không khí với đồng bào cả nước hướng về kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy và trò Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học tích cực thi đua đạt thành tích cao trong dạy và học; tổ chức hội trại “Thanh niên làm theo lời Bác” nhằm giáo dục truyền thống và cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người.
Trường Quốc học Huế (nay là Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học) luôn tự hào đã góp phần bồi đắp nên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một lãnh tụ thiên tài cho dân tộc. Nhà lưu niệm về Bác Hồ và truyền thống của Trường và bức tượng cậu học trò Nguyễn Tất Thành giữa sân trường là những biểu tượng nhắc nhở các thế hệ học sinh nâng cao tinh thần hiếu học, nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng của mình.
Thời gian qua, nhà trường luôn chú trọng xây dựng phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Ban Giám hiệu luôn quán triệt, tuyên truyền cho các cán bộ, giáo viên và học sinh học tập, noi theo tấm gương của Bác bằng những điều bình dị hàng ngày trong học tập cũng như sinh hoạt của học sinh. Trường vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020.
Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, những năm gần đây, giáo viên và học sinh Trường luôn phát huy thành tích mũi nhọn, số lượng giải quốc gia tăng lên về chất lượng cũng như số lượng; luôn có học sinh góp mặt trong đội tuyển thi quốc tế hàng năm. Đến nay, các thế hệ học sinh của nhà trường đã đạt được 22 huy chương Olympic quốc tế. Nhiều học sinh làm rạng danh bảng vàng thành tích của trường như: Lê Bá Khánh Trình (vô địch kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1979 với số điểm tuyệt đối 40/40), Đinh Anh Minh (Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế 2010), Trương Đông Hưng (Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế 2017), Nguyễn Hy Hoài Lâm (Huy chương Đồng Olympic Tin học quốc tế 2017), Hồ Việt Đức (Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế năm 2020)...
Em Phạm Thái Bảo, học sinh lớp 12 chuyên Nhật, Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học chia sẻ, em rất vinh dự và tự hào khi được học ở ngôi trường có bề dày lịch sử lâu đời và nổi tiếng trong nền cách mạng của Việt Nam. Là một thành viên trong đại gia đình Quốc Học em sẽ nỗ lực cố gắng phát huy hết khả năng trong học tập cũng như phát triển kỹ năng để hoàn thiện bản thân, góp sức mình xây dựng đất nước và noi theo tấm gương của những vị lãnh tụ đã từng học ở ngôi trường này.
Thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc Học cho biết: Nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; nêu cao tinh thần học tập và làm việc theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm phát huy truyền thống của nhà trường. Quốc Học Huế là một trong bốn di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Nhà trường đang nỗ lực triển khai kế hoạch xây dựng Trường trở thành điểm đến trong các hành trình du lịch của du khách đến với Huế. Mỗi học sinh của trường sẽ là một hướng dẫn viên du lịch với mục tiêu khắc sâu thêm truyền thống, cuộc đời cách mạng và tư tưởng của Bác Hồ đối với mỗi học sinh và lan tỏa những giá trị tư tưởng đó đến với du khách.
Những ngày này, tại các điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đông đảo khu khách và người dân đã đến tham quan, dâng hương và báo công. Dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên – Huế cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về kỷ niệm ngày sinh nhật Bác như Triển lãm “Những tấm gương điển hình mà cao quý”. Đây là điểm đến được nhiều trường học lựa chọn trong dịp này để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tự hào khi lần đầu đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh và được tìm hiểu về thân thế, cuộc đời cách mạng của Bác, em Nguyễn Phương Linh, Trường Tiểu học số 2 Kim Long, thành phố Huế chia sẻ, em sẽ cố gắng học tập, noi gương Bác Hồ để trở thành người có ích cho xã hội. Em cũng mong muốn nhà trường sẽ tổ chức nhiều chương trình tham quan các điểm di tích cách mạng, nhất là các di tích về Bác.
Những di tích ghi đậm dấu ấn của Người trên đất Cố đô đã trở thành những di sản quý giá, làm giàu thêm truyền thống lịch sử, văn hóa đáng tự hào của người dân xứ Huế.