46 năm sau, tiếng gọi đó đang thôi thúc cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân cả nước. Nhưng lần hành quân vào phương Nam này là trận chiến gian nan không tiếng súng trước kẻ thù vô hình. Ở đó, sứ mệnh của họ là góp phần chặt đứt nguồn lây nhiễm của biến thể Delta trong cộng đồng; giữ vững tình hình an ninh, trật tự và giúp đồng bào Nam Bộ ổn định cuộc sống…
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, Bộ Công an đã huy động cán bộ, chiến sỹ tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19; bảo vệ an ninh trật tự, an toàn, an dân. Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, Bộ Công an là đơn vị đầu tiên khẩn trương thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương phụ trách tại phía Nam. Đây là đầu mối để kích hoạt các hoạt động phòng, chống dịch trong lực lượng Công an, xử lý, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Lực lượng Công an tăng cường trước hết sẽ hỗ trợ các lực lượng chức năng, Công an các địa phương ngăn chặn dịch lây lan. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, nguy cơ tội phạm gia tăng như trộm cắp, lừa đảo, chống người thi hành công vụ, tội phạm an ninh mạng... lực lượng Công an tăng cường sẽ hỗ trợ, phối hợp với các lực lượng tại cơ sở, địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn. Lực lượng Công an tăng cường cũng sẽ hỗ trợ tại các chốt kiểm soát, khu phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến...; hỗ trợ công tác đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân và đảm bảo đời sống cho công nhân, người lao động.
Đặc biệt, khi lực lượng Công an nhân dân đáp lời kêu gọi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện Hành trình “Giọt máu nghĩa tình - chung tay đẩy lùi COVID-19”, nhằm thêm nguồn máu cứu chữa các bệnh nhân. Hơn 200 đơn vị máu quý giá đã nhanh chóng được chuyển đến các bệnh viện phía Nam mang theo tình cảm và sự sẻ chia của lực lượng Công an nhân dân với đồng bào Nam Bộ trong cuộc chiến với dịch COVID-19.
Nguồn máu được hiến tình nguyện này rất ý nghĩa.
Đại dịch đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Số ca lây nhiễm gia tăng với hàng ngàn ca mới mỗi ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế, xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh lại đang thực hiện giãn cách xã hội đã nhiều tuần nay nên có biết bao áp lực, khó khăn. Hầu hết các hoạt động hiến máu nhân đạo phải tạm dừng dẫn đến lượng máu dự trữ giảm đáng kể. Trong khi đó, lượng máu cần thiết để phục vụ cho các bệnh viện, nhất là các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đang rất thiếu.
Chuyển máu vào trước, người vào sau!
Chỉ hơn một ngày sau là hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đã vào vùng dịch bệnh nguy hiểm nhất cả nước hiện nay. Đó là 310 cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên "thần tốc" hành quân vào Thành phố Hồ Chí Minh; là 250 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ vượt hơn 1.000 km đến chi viện tỉnh Bình Dương. Là những cán bộ, chiến sỹ do Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh…
Cách đó ít thời gian, các đoàn y, bác sĩ của một số bệnh viện Công an nhân dân khu vực phía Bắc như: Bệnh viện 19-8, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, Bệnh viện Công an tỉnh Nam Định, Bệnh viện Công an tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Công an tỉnh Ninh Bình... cũng đã bay vào Thành phố Hồ Chí Minh để sát cánh cùng đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp chiến đấu với làn sóng thứ 4 vô cùng nguy hiểm của đại dịch.
Tiến vào vùng dịch nguy hiểm nhất cả nước, tất cả cũng đều hiểu rằng, nhiệm vụ, sứ mệnh của họ trong cuộc chiến gian nan không tiếng súng này rất nặng nề. Đó là ngăn chặn nguồn lây nhiễm của biến thể Delta trong cộng đồng; giữ vững tình hình an ninh, trật tự và giúp hàng triệu đồng bào Nam Bộ ổn định cuộc sống.
Không một người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân nào đắn đo, phân vân. Bởi Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam đang bước vào những ngày quyết định. Hơn lúc nào, Nam Bộ cần lắm sự ủng hộ, giúp đỡ cả về nhân lực, vật chất lẫn tinh thần của cả nước để vượt qua cuộc chiến gian nan này. Cũng chỉ khống chế được đại dịch ở miền Nam mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước.
Tất cả đều quyết tâm cao nhất trước kẻ thù vô hình!
Như khẳng định của Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Dù vất vả, khó khăn, nguy hiểm, nhưng cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân luôn đồng sức, đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực trên trận tuyến tham gia phòng, chống dịch. Trong cuộc chiến đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương về tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của lực lượng Công an. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã tạm gác lại hạnh phúc cá nhân, thậm chí bị thương, hy sinh cuộc sống của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ cuộc sống bình yên, tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đến nay, toàn lực lượng Công an đã có 3 đồng chí hy sinh và hơn 1.000 đồng chí bị nhiễm COVID-19 khi tham gia phòng, chống dịch.