Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về việc thi tuyển 3 chức danh phó vụ trưởng của Bộ Nội vụ vào cuối năm nay.
Ngày 30/9 và 1/10, thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển
cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức thi tuyển 3 chức danh Vụ trưởng. Ảnh: dantri.com.vn |
Tới đây Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thi tuyển 3 chức danh phó vụ trưởng, ông có thể thông tin rõ hơn về cuộc thi này? Thực hiện chủ trương đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý đã được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 202-TB/TW; Công văn số 3135-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo Kết luận của Ban Bí thư Trung ương về chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và Công văn số 2424/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, Bộ Nội vụ đã ban hành Quy chế thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng và tương đương tại các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Căn cứ Quy chế và nhu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương tại một số đơn vị thuộc Bộ trong 2 năm 2017-2018, gồm: 8 chức danh cấp phó: Phó Chánh Văn phòng; Phó Chánh Thanh tra Bộ; Phó Vụ trưởng các Vụ Hợp tác quốc tế, Chính quyền địa phương, Pháp chế, Tiền lương, Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước.
Việc này đã được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ thống nhất thông qua, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, trong quý IV/2017 sẽ thi 3 chức danh là Phó Vụ trưởng của các Vụ Tiền lương; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Hợp tác quốc tế. Trong quý IV sẽ phải hoàn thành. Chúng tôi đã có thông báo công khai việc này theo đúng quy định, nhận hồ sơ từ ngày 16/10/2017.
Việc thay đổi cách thức tuyển dụng như lần này có ý nghĩa thế nào đối với công tác cán bộ hiện nay, thưa Thứ trưởng? Thay đổi cách thức tuyển dụng, trước hết nhằm mục đích phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bổ nhiệm được người có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ, góp phần nâng cao chất lượng nghiệp vụ, thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, tránh tình trạng khép kín, cục bộ. Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển lãnh đạo.
Vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương cũng tổ chức thi 3 chức danh vụ trưởng. Qua sơ kết, đánh giá việc thi tuyển lãnh đạo của hai cơ quan tổ chức của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về cán bộ công chức, trong đó có việc tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo. Đây là chủ trương rất lớn của Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm chọn được người có đức, có tài vào nền công vụ.
Liệu việc thi tuyển cạnh tranh có khắc phục được hạn chế trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay, nhất là những nghi ngờ về “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”? Nguyên tắc của chúng ta là cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng thẩm quyền, đảm bảo tiêu chuẩn. Thi như vậy sẽ tuyển chọn được người xứng đáng nhất, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức. Hình thức thi bao gồm cả thi viết và bảo vệ đề án, có hội đồng thi tuyển xem xét, chấm điểm và cán bộ công chức giám sát, do đó sẽ hạn chế được rất nhiều khiếm khuyết hiện nay.
Những thí sinh dự thi sẽ cần có những điều kiện, tiêu chuẩn gì, thưa ông? Thí sinh dự thi phải bảo đảm tiêu chuẩn chung quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) như có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trải qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả…
Ngoài ra, thí sinh cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Bộ Nội vụ. Thứ nhất, phải có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên có chuyên ngành đào tạo phù hợp vị trí chức danh cần tuyển. Thứ hai là đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoặc các chức danh nghề nghiệp tương đương với ngạch chuyên viên chính trở lên.
Thứ ba là phải có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, đã qua đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước theo quy định của chức danh. Thứ tư là phải trong diện quy hoạch chức danh thi tuyển hoặc chức danh tương đương với vị trí cần thi tuyển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, người dự thi phải có thời gian công tác trong ngành Nội vụ từ 5 năm trở lên và phải 3 năm liền gần đây hoàn thành tốt nhiệm vụ, có trình độ về tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu của công việc.
Vậy đối với các ứng viên ở ngoài Bộ Nội vụ, ngoài quy hoạch, ứng viên là người ngoài Đảng liệu có cơ hội nào cho họ? Theo Kết luận số 202-TB/TW của Bộ Chính trị thì đây là Đề án thí điểm nên có nội dung vượt ra ngoài phạm vi quy định hiện nay. Đối tượng thì nguyên tắc là trong quy hoạch, nhưng không hạn chế trong nội bộ cơ quan đơn vị đó, có thể mở rộng ra các cơ quan đơn vị khác có chức danh tương đương trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực. Trường hợp trong nội bộ đơn vị và trong quy hoạch thì bắt buộc phải đăng ký, nếu không đăng ký mà không có lý do theo quy định thi sẽ bị đưa ra ngoài quy hoạch. Như vậy đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, tìm được nhiều người.
Còn trường hợp không nằm trong quy hoạch thì phải được tập thể lãnh đạo đề cử và cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý. Tức là Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển thì phải được Bộ Nội vụ đồng ý.
Đối với người ngoài Đảng, trong Kết luận 86-KL/TW của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đã cho chủ trương nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi được tuyển dụng từ 1-2 năm thì có thể bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo cấp phòng và có thể không phải đảng viên. Đây là chủ trương của Đảng, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương, đã đăng trên Cổng thông tin của Bộ đã nêu rất rõ các trường hợp này.
Liệu như vậy có “vừa mở, vừa đóng” không khi mà Bộ chính là nơi mở cửa để các thí sinh tham gia dự thi nhưng cũng lại là nơi đề cử đối với những trường hợp ngoài Đảng, ngoài quy hoạch và phải được Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đồng ý? Không. Phải có người đề cử, có thể tôi đề cử nhưng phải đưa ra tập thể lãnh đạo Bộ để thống nhất và Đảng ủy Bộ có ý kiến bằng văn bản. Nếu không đồng ý thì phải nêu rõ lý do. Đó không phải là “đóng” hay “mở”, mà là đảm bảo quy trình kiểm soát và đảm bảo trong cả quá trình thi tuyển đều có sự lãnh đạo của Đảng.
Sau khi trúng tuyển, được bổ nhiệm mà cán bộ ấy không đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra, không thực hiện đúng như các cam kết mình đưa ra lúc dự thi thì Bộ có cơ chế nào để sàng lọc? Theo quy định đánh giá hàng năm, 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hạn chế năng lực thì sẽ xem xét. Hoặc đến thời hạn bổ nhiệm lại mà không hoàn thành nhiệm vụ thì không được bổ nhiệm lại.
Việc này thực hiện theo quy định chung. Đây chỉ là thí điểm đổi mới quy trình bổ nhiệm thôi, và cũng chỉ áp dụng đối với bổ nhiệm lần đầu, còn cán bộ bầu cử hoặc bổ nhiệm lại thì chưa áp dụng.