Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thí điểm phương thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng thông qua thi tuyển; tạo bước đột phá trong việc lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài 1: Hướng tới sự công khai, minh bạch
Là tỉnh đầu tiên của cả nước mạnh dạn tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp sở, Quảng Ninh đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, được dư luận đồng tình ủng hộ. Sau một năm thực hiện thí điểm thi tuyển, những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở được bổ nhiệm đã bước đầu phát huy tài năng, tâm huyết của mình ở cương vị mới, đóng góp quan trọng vào trong sự nghiệp phát triển chung của toàn tỉnh.
Hiệu quả bước đầu
Bám sát, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh quyết định thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở. Ngay lập tức, chủ trương này được toàn bộ hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên đồng thuận hưởng ứng và đánh giá cao.
UBND tỉnh Quảng Ninh trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho ông Nguyễn Hồng Dương, người thi đỗ trong kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp sở. |
Cuộc thi được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh, mọi thí sinh đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm, qua thẩm định đều có cơ hội, điều kiện như nhau để thể hiện tốt nhất khả năng, ý tưởng sáng tạo của mình. Tất cả các cuộc thi tuyển đều được bảo đảm nguyên tắc: Dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công tâm và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với xu thế của một nền “công vụ mở”.
Các ứng viên tham gia cuộc thi không chỉ là cán bộ, công chức mà còn được mở rộng nguồn từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, phù hợp với chủ trương quy hoạch “động” và “mở” để thu hút những người có tài năng từ bên ngoài bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý vào cơ quan hành chính nhà nước. Tiêu chí tuyển chọn ứng viên dự thi không câu nệ về bằng cấp thuần túy, không tuần tự về vị trí chức vụ, không khép kín trong nguồn quy hoạch tại chỗ.
“Đối tượng thi tuyển không thể chỉ bó hẹp trong số người nằm trong quy hoạch mà mở rộng từ nhiều nguồn khác nhau. Như vậy, việc thi tuyển mới thực sự dân chủ và mới có thể chọn ra những người có năng lực nhất để phụ trách công việc”. Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh |
Có 45 hồ sơ đăng ký dự thi vào 8 vị trí chức danh lãnh đạo cấp sở năm 2013. Qua thẩm định, sát hạch, Quảng Ninh chọn 35 hồ sơ ứng viên đảm bảo đủ các điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự thi vào 8 vị trí chức danh, gồm: Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long; Phó giám đốc các sở: Thông tin - Truyền thông, Nội vụ, Ngoại vụ, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải. Nhìn chung, các ứng viên đăng ký tham gia dự thi đông, đảm bảo độ tuổi bổ nhiệm lần đầu theo quy định, có quá nửa số ứng viên tham gia dự thi ở độ tuổi dưới 40.
Bà Phạm Hồng Lan, một trong hai thí sinh trúng tuyển đợt đầu, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, tự tin khẳng định: “Những giải pháp, cam kết trong đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực truyền thông, báo chí xuất bản” mà tôi bảo vệ trước Hội đồng thi tuyển đến nay được ứng dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả”.
Nhận xét về tân “Phó sở” của mình, ông Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông đánh giá: Bà Lan rất linh hoạt xử lý tình huống trong công tác lãnh đạo, quản lý điều hành, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý báo chí và phát triển hệ thống truyền thông cơ sở. Năm 2013, nhờ báo chí và truyền thông, hình ảnh Quảng Ninh trở nên nổi bật hơn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, tất cả 8 thí sinh trúng tuyển trong 3 đợt thi tuyển thí điểm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cương vị lãnh đạo, quản lý cấp sở. Cụ thể, sau một năm công tác, các cán bộ này đã thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành đơn vị, lĩnh vực do mình phụ trách, có triển vọng phát triển.
Có được kết quả này là do trong quá trình xây dựng đề án, các ứng viên đã nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị; đã phát hiện được những hạn chế, bất cập nên trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ mới, họ tiếp cận nhanh, sớm tham mưu, đề ra các giải pháp để thực hiện.
Thi tuyển lãnh đạo trở thành quy chế
Từ cuối năm 2013, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chính thức ban hành Quyết định số 1190-QĐ/TU về quy chế thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý. Theo đó, việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các vị trí chức danh thuộc: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủy quyền cho Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng quản lý; cán bộ thuộc sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và địa phương quản lý.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, dự kiến từ năm 2015 trở đi, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở sẽ trở thành quy chế bắt buộc. Tuy nhiên, trước mắt trong công tác cán bộ, Quảng Ninh sẽ kết hợp thực hiện hài hòa giữa phân công, luân chuyển - điều động, bổ nhiệm có trình bày đề án công tác với bổ nhiệm thông qua thi tuyển.
Riêng đối với cán bộ lãnh đạo cấp phòng, Quảng Ninh khuyến khích các sở, ngành, huyện, thị, thành phố thực hiện chế độ thi tuyển.
Bài và ảnh: Văn Đức
Bài 2: Tránh cách làm hình thức