Ông Lê Quang Thạch, Phó trưởng Phòng Giáo dục thị xã Ninh Hòa cho biết, 100% công trình trường học bị hư hại do tốc mái, sập tường rào.
Dự kiến trong ngày 6/11 học sinh trên toàn địa bàn tiếp tục phải nghỉ học và nghỉ đến khi các đơn vị trường học tự khắc phục sự cố xong. Trước tình hình này, lãnh đạo thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo tổ chức thăm hỏi kịp thời, ổn định tinh thần cho người dân sau bão; cùng với đó là sớm khôi phục điện và nước, dọn dẹp cây cối đổ ngã, tiến hành xử lý môi trường và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, sớm khắc phục các sự cố để ổn định học sinh đến trường. Thị xã cũng khẩn trương điều tiết nước tại các hồ tích nước, đập thủy điện phù hợp.
* Tại Quảng Trị: Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng, do ảnh hưởng mưa bão nên từ khoảng 4 giờ sáng ngày 5/11, mực nước trên một số con sông Thác Ma, Vĩnh Định… dâng cao làm ngập một số đoạn của tuyến đường liên xã Hải Sơn - Hải Tân - Hải Hòa, tuyến liên xã Hải Thọ - Hải Thành - Hải Quế… và một số đường liên thôn của các xã vùng trũng như Hải Hòa, Hải Sơn, Hải Thành… bị ngập sâu trong nước từ 0,3m - 2m; đa số diện tích hoa màu và một số nhà các hộ dân thuộc vùng trũng thấp đều bị ngập chìm trong nước từ 0,3 - 0,5m.
Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho bà con, chính quyền các cấp của huyện Hải Lăng đã huy động các lực lượng Công an, dân quân, thanh niên, phụ nữ… đến vận động di dời, sơ tán 246 hộ với 603 người ở vùng có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi cao ráo, an toàn.
Được biết, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, để phòng tránh thiệt hại do bão gây ra cho bà con, chính quyền các cấp huyện Hải Lăng đã huy động các lực lượng đến động viên, hỗ trợ các hộ dân triển khai các giải pháp phòng tránh thiên tai với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Với mực nước lên nhanh như hiện nay, nhiều người cao tuổi sống trên địa bàn xã Hải Sơn nhận định, phải đến 1 - 2 ngày tới nước sẽ rút hết. Để tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định lại cuộc sống, ngay sau khi nước rút, chính quyền các cấp huyện Hải Lăng, các lực lượng và các hội đoàn thể sẽ cùng với nhân dân khẩn trương khắc phục môi trường giảm thiểu dịch bệnh có thể xảy ra; giúp các hộ dân sửa xang lại nhà cửa, vườn tược, kênh mương nội đồng… để bà con sớm ổn định lại sản xuất, cuộc sống.
* Tại Thừa Thiên - Huế: Đến 17 giờ ngày 5/11, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế đang lên rất nhanh do mưa lớn ở thượng nguồn; lượng mưa từ 3-5/11 đo được ở Khe Tre và Bạch Mã (huyện miền núi Nam Đông) lần lượt là 626mm và 13497mm; vùng núi phổ biến từ 500-600mm; vùng đồng bằng phổ biến 150-200mm.
Đáng chú ý, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế từ 14 giờ ngày 4/11 đã phát lệnh vận hành, điều tiết các hồ chứa nước được phép xả lũ về hạ du với lưu lượng tăng dần, tránh gây đột biến và ngập lụt cho vùng hạ du.
Theo đó, hồ thủy điện Bình Điền sẽ điều tiết nước về hạ du với lưu lượng xả tăng dần, tránh đột biến, khoảng từ 120-300m3/s, trong đó ưu tiên phát tối đa qua các tổ máy. Nhà máy thủy điện A Lưới vận hành điều tiết về hạ du huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) với lưu lượng tăng dần, khoảng 200-500m3/s, tránh đột biến cho vùng hạ du.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của triều cường, có lúc dâng cao từ 0,5-0,7m nên mặc dù đập Thảo Long (cuối nguồn sông Hương) mở hết 15/15 cửa; đạp Cửa Lác (hạ nguồn sông Bồ) mở hết 70/70 cửa, nhưng nước vẫn thoát chậm; đây là nguyên nhân làm cho nước các con sông lên nhanh.
Hiện tại, nước sông Hương lên nhanh vượt mức báo động 3. Đến đầu giờ chiều 5/11 mực nước trên các sông đang ở mức cao. Sông Hương tại Kim Long 3,63 m; trên báo động 3 là 0,13m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,98 m; trên báo động 3 là 0,48m; các sông Ô Lâu tại Phong Bình và sông Truồi tại cầu Truồi lần lượt cao 2,25m - 3,55m.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 20.859 hộ bị ngập lụt; trong đó có 1.456 hộ, với 5.861 khẩu vùng thấp trũng thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế đã được di dời đến nơi cao ráo.
Thị xã Hương Trà có 1.500 ngôi nhà bị ngập với độ sâu từ 0,3 - 1m; tỉnh lộ 4 qua xã Hương Vinh, tỉnh lộ 8 A qua phường Hương Xuân, 8B qua xã Hương Toàn bị ngập sâu 0,5 - 1,2m gây chia cắt về giao thông. Huyện Phú Vang có 140 nhà dân bị ngập từ 0,1-0,3m; đã di dời 72 hộ/248 khẩu đến nơi ở an toàn.
Huyện Quảng Điền có hơn 2.000 ngôi nhà bị ngập. Mưa lũ cũng gây chia cắt hoàn toàn các khu dân cư tại các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Phú, các tuyến đường tỉnh lộ Nguyễn Chí Thanh, đi thành phố Huế đoạn ngang qua thôn Niêm Phò xã Quảng Thọ, Đường tỉnh lộ 4b khu vực tràn xã Quảng Phước, đường tỉnh lộ Sịa đi An Lỗ đã bị ngập, giao thông ách tắc.
Huyện Phong Điền có 1.328 nhà bị ngập trong nước, trong đó các xã đã tổ chức di dời 404 hộ (1.578 khẩu) đến nơi an toàn. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị ngập và chia cắt nhiều đoạn. Trong đó, Quốc lộ 49B đoạn qua địa phận xã Phong Hòa ngập 0,7m, dài khoảng 700m; đoạn đường Tỉnh lộ 6 từ thị trấn đi Phong Chương qua đoạn thôn Khúc Lý bị ngập 1m, dài khoảng 200m; đoạn đường liên thôn từ Tứ Chánh qua Phổ Lại thuộc địa phận xã Phong Sơn ngập sâu từ 1,5m đến 2m, dài 1500m.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế: Mưa lũ đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là vào ban đêm. Tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị ứng trực 24/24 theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để xử lý kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ". Các lực lượng công an có phương án phân luồng giao thông, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết, nhất là các ngầm tràn để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng nhân dân...