Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, Thường trực UBND huyện hiện chỉ có 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch; UBND các xã, thị trấn có 1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch; các phòng, ban chuyên môn của huyện có 1 trưởng phòng và 1 - 2 phó trưởng phòng, biên chế cán bộ phòng nào cao nhất khoảng 11 - 12 người. Cụ thể là Văn phòng UBND huyện và Phòng Tài chính hơn 10 người, còn lại đều dưới 10 người.
Biên chế cán bộ, nguồn lực con người tương tự như các huyện khác, trong khi số lượng, khối lượng công việc của huyện hiện nay quá nhiều, áp lực công việc rất lớn đối với cán bộ, việc giải quyết, xử lý công việc không xuể và không kịp tiến độ, đặc biệt là những lĩnh vực như: An ninh, trật tự xã hội; quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên - môi trường; đầu tư, xây dựng; du lịch, dịch vụ… thiếu trầm trọng. Cán bộ các xã, thị trấn cũng thiếu về số lượng, chất lượng, không đáp ứng yêu cầu.
Hiện Phú Quốc có hơn 300 dự án đầu tư, diện tích đất phải thu hồi để giao cho nhà đầu tư là hơn 10.800 ha. Ngoài ra, các nhà đầu tư đăng ký, cam kết đầu tư vào Phú Quốc hơn 370.000 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 215 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, với số tiền phải trả cho người dân gần 8.000 tỷ đồng, số dân bị ảnh hưởng hơn 9.000 hộ. Với khối lượng công việc lớn liên quan đến đầu tư, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, áp lực công việc đối với cán bộ phụ trách các lĩnh vực này của một đơn vị hành chính cấp huyện là quá lớn.
Số đơn, thư khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tranh chấp… của huyện Phú Quốc chiếm hơn 60% tổng lượng đơn thư của tỉnh, mỗi năm huyện tiếp nhận 700 - 800 đơn, thư. Trong khi đó, biên chế cán bộ của Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị có liên quan tương tự các huyện khác trong tỉnh, dẫn đến quá tải công việc đối với cán bộ công chức, viên chức.
Cùng với đó, Phú Quốc đang là trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long, điểm đến của quốc gia, khu vực và quốc tế, lượng du khách đến Phú Quốc rất đông. Quý I/2019, đảo ngọc Phú Quốc đã đón hơn 815.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch, đạt 30% kế hoạch, tăng 14,4% so cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế 223.549 lượt khách, đạt hơn 27% kế hoạch, tăng 69% so cùng kỳ; khách du lịch đến Phú Quốc tăng 30%/năm, đặc biệt là du khách quốc tế tăng khá cao. Phú Quốc hiện có trên 600 cơ sở lưu trú, với khoảng 18.000 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, nguồn lực con người, nhất là người có chuyên môn, tay nghề cao, ngoại ngữ… phục vụ du lịch của huyện thiếu nghiêm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc chia sẻ: “Phú Quốc cũng như các huyện khác, với cơ cấu tổ chức, bộ máy cấp huyện bình thường mà phải gánh chịu áp lực khối lượng, tính chất công việc giống như một tỉnh thì quá sức đối với Phú Quốc. Huyện đã kiến nghị với các sở, ngành và UBND tỉnh nhưng vẫn chưa giải quyết bổ sung thêm cán bộ, vì biên chế giao cho từng địa phương với định mức như thế thì không thể làm khác.
Mặc dù vậy, huyện tập trung giải quyết, chọn lọc công việc xử lý sao cho phù hợp tình hình thực tế; động viên cán bộ nỗ lực làm việc, xử lý công việc hết mình, “hết việc chứ không hết giờ”. Hiện nay, cơ quan, đơn vị nào của huyện Phú Quốc cũng quá tải công việc và tùy theo tính chất, tiến độ thực hiện công việc để đáp ứng nhu cầu kế hoạch đề ra, huyện buộc phải hợp đồng thuê mướn thêm lao động bên ngoài.”
Phú Quốc đang báo cáo, trình UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị với Bộ Nội vụ xây dựng Phú Quốc thành thành phố loại 2 trực thuộc tỉnh. Huyện xây dựng đề án để báo cáo tỉnh, trình Trung ương xem xét quyết định. Nếu trở thành thành phố thì cơ cấu, tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ và điều kiện phát triển được nâng lên một bước, công việc sẽ phần nào giảm tải trước mắt cũng như lâu dài.