Lạm dụng bóng cười có thể khiến các bạn trẻ liệt tứ chi và mất khả năng vận động. Ảnh: CTV |
Theo BS Nguyễn Đàm Chính,
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Dinitơ monoxid (N2O) được gọi là khí cười vì sau khi hít phải, gây ra ảo giác, kích thích hưng phấn cười.
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ, 16 tuổi, nhập viện vì yếu hai chân, đi lại rất khó khăn sau khi dùng số lượng lớn bóng cười trong bữa tiệc sinh nhật.
Gia đình bệnh nhân cho biết, sau 3 - 4 ngày chơi bóng cười, thiếu nữ này bắt đầu thấy có các biểu hiện lạ, người mệt mỏi, cơ lực yếu hơn bình thường đặc biệt hai chân yếu, khiến việc đi lại khó khăn. Trước đó, khoảng 5 - 6 tháng, bệnh nhân bắt đầu chơi bóng cười và thường xuyên hít hàng chục quả bóng mỗi lần.
Sau khi thăm khám, chụp cộng hưởng từ... các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc N20 và được chỉ định dùng 500 mcg cyanocobalamin tiêm bắp mỗi ngày trong hai tuần. Sau đó, cơ lực hai chân của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.
BS Nguyễn Đàm Chính cho biết: Khí N2O nói chung là an toàn, được sử dụng rộng rãi trong y học đặc biệt chuyên ngành gây mê nhưng với liều lượng được tính toán cẩn thận dựa trên từng cơ địa, gần như không có hại gì đối với cơ thể.
Nhưng nếu sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng; trong đó, có bệnh lý thần kinh mất myelin.
Thực tế, y văn đã ghi nhận nhiều ca tổn thương tủy mất myelin liên quan đến sử dụng N2O. Bệnh lý này xảy ra trong 2 bối cảnh: Lạm dụng N2O trong một thời gian dài, nồng độ vitamin B12 bình thường và dùng N2O một lần với liều lớn.
“Bệnh cảnh lâm sàng các trường hợp tổn thương tủy mất myelin sẽ là rối loạn cảm giác và vận động, nặng có thể dẫn đến liệt tứ chi và vận động ở các mức độ khác nhau”, BS Nguyễn Đàm Chính chia sẻ.
Điều đáng lo ngại là giới trẻ hiện nay ngày càng thích trải nghiệm những trò chơi mới lạ, nhưng lại không có kiến thức và cũng không có nhu cầu tìm hiểu về hậu quả đi kèm. Đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng , ảnh hưởng đến sức khỏe thì đều là chuyện đã rồi và vô cùng đáng tiếc, đặc biệt đối với những thanh niên còn rất trẻ, chưa đến tuổi vị thành niên.
Theo BS Đàm Chính, câu chuyện về bóng cười cũng sẽ không dừng lại kể cả khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra và đã được các chuyên gia y tế lên tiếng cảnh báo. Chỉ khi nhận được sự quan tâm đúng mức của gia đình, xã hội và các cơ quan truyền thông, những trò chơi giết người thầm lặng như bóng cười mới có cơ hội đứng bên ngoài cánh cửa của mỗi gia đình.
Do đó, đã đến lúc, khí cười (hay bóng cười) cần được kiểm soát sử dụng một cách chặt chẽ. Với những trường hợp lạm dụng hoặc buôn bán với mục đích lạm dụng để giải trí cần có những án phạt thích đáng. Có như vậy, bóng cười mới không là nguyên nhân khiến bất kì một gia đình nào phải rơi nước mắt vì con trẻ.
Đơn cử, tại Anh, từng có khoảng nửa triệu thanh niên sử dụng khí cười trong các tụ điểm chơi đêm. Nhưng trước những nguy hại của bóng cười, đến tháng 8/2015, London đã chính thức cấm khí cười với mục đích giải trí với án phạt cho người sử dụng có thể lên tới 1.000 bảng Anh.