Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đã có 30 ý kiến đại biểu phát biểu và 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời, nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm: khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh để trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: hồ sơ và bố cục dự thảo Luật; sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan; phạm vi điều chỉnh; áp dụng pháp luật; chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm (quy định chung về hợp đồng bảo hiểm; nội dung hợp đồng bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại; đề phòng hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm, giải quyết tranh chấp); doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (cấp phép thành lập và hoạt động; tổ chức hoạt động; cơ cấu tổ chức quản lý; khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp; sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin; thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm); bảo hiểm vi mô; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; bảo hiểm bắt buộc; các hành vi bị nghiêm cấm; thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm; hình thức hợp đồng bảo hiểm; Hội đồng bảo hiểm...
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Thứ Bảy, ngày 30/10/2021, theo chương trình làm việc, buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).