Tại phiên họp, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín để phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả kiểm phiếu như sau:
* Về danh sách các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia gồm:
1. Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội (tỷ lệ 99,79%).
2. Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (tỷ lệ 99,58%).
3. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tỷ lệ 99,79%).
4. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước (tỷ lệ 99,79%).
* Về danh sách các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia gồm:
1. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng (tỷ lệ 99,57%).
2. Ông Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tỷ lệ 100%).
3. Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (tỷ lệ 100%).
4. Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (tỷ lệ 99,58%).
5. Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (tỷ lệ 100%).
6. Ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (tỷ lệ 100%).
7. Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (tỷ lệ 100%).
8. Ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tỷ lệ 100%).
9. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (tỷ lệ 100%).
10. Ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tỷ lệ 99,79%).
11. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (tỷ lệ 100%).
12. Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tỷ lệ 99,79%).
13. Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (tỷ lệ 98,09%).
14. Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (tỷ lệ 100%).
15. Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (tỷ lệ 99,58%).
16. Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (tỷ lệ 99,58).
* Về kết quả kiểm phiếu bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Dương Thanh Bình có 4 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 99,15%).
Sau đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về: Phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết, kết quả như sau:
Về Nghị quyết phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia với kết quả: có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,96%); có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,96%).
Về Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với ông Dương Thanh Bình với kết quả: có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,79%); trong đó, có 451 đại biểu tán thành (bằng 93,37%).
2. Cũng trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Tại phiên thảo luận đã có 03 đại biểu phát biểu ý kiến.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của đất nước. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị nên cân nhắc sử dụng từ “đặc thù”; cần quy định rõ về thẩm quyền ban hành phí, lệ phí, trường hợp cần tăng phí, lệ phí thì phải có sự đồng thuận của Nhân dân; cần sớm sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới;…
Các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Buổi chiều, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Tại phiên thảo luận đã có 25 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: về phạm vi, đối tượng thụ hưởng, địa bàn của Chương trình mục tiêu quốc gia; về quan điểm, mục tiêu đầu tư; về nguyên tắc, cơ chế thực hiện; về chính sách huy động, tập trung nguồn lực đầu tư; về các dự án thành phần của Chương trình; về thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án thành phần; về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các dự án thành phần; về kinh phí đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn; về tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình…
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và thẳng thắn chia sẻ những khó khăn với đồng bào, nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề cấp bách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, khẳng định chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành và đồng bảo cả nước quan tâm. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cần thiết.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung sau: đề nghị Chính phủ đầu tư trọng tâm, trọng điểm để giảm nghèo nhanh, bền vững nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, mức sống giữa miền xuôi, miền núi và giữa vùng thuận lợi, vùng khó khăn; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; giữ gìn bản sắc văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy truyền thống đoàn kết bảo vệ vững chắc an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ biên giới; phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá nội dung, chương trình để tránh chồng chéo, bảo đảm đúng đối tượng; đồng thời đề nghị triển khai Chương trình mục tiêu phát triển làm 02 giai đoạn như Tờ trình của Chính phủ; cần quản lý hiệu quả kinh phí sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác do Chính phủ huy động; chú trọng đến nhóm dân tộc đặc biệt khó khăn, đặc thù còn rất ít người; sớm hoàn thành bộ tiêu chí phân định các vùng phát triển của vùng dân tộc và miền núi để thực hiện tốt các dự án thành phần đã được Chính phủ trình Quốc hội; tăng cường trách nhiệm giám sát của Quốc hội và trách nhiệm của Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án…
Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua.
Thứ Bảy, ngày 13/6/2020, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp.