Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường và thảo luận ở Đoàn về những nội dung sau:
Buổi sáng, nội dung 1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Trong quá trình thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, 4 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung sau: Về tên gọi và giải thích từ ngữ của dự thảo Luật; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên; chế độ sinh hoạt, báo cáo, kiểm tra công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên; nghĩa vụ của quân nhân dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên; các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên; thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên khi thực hiện lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ và trong chiến tranh; tập trung, vận chuyển, giao nhận đơn vị dự bị động viên; chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Nội dung 2, thực hiện sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Buổi chiều, nội dung 1, thực hiện sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 1 và toàn văn Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết thông qua Điều 1 của Nghị quyết như sau: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 448 (bằng 92.56% tổng số đại biểu Quốc hội); số đại biểu đồng ý: 443 (bằng 91.53%); số đại biểu không đồng ý: 1 (bằng 0.21%); số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Kết quả biểu quyết thông qua toàn văn Nghị quyết như sau: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 448 (bằng 92.56% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 443 (bằng 91.53%); số đại biểu không đồng ý: 1 (bằng 0.21%); số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Nội dung 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết như sau: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 451 (bằng 93.18% tổng số đại biểu Quốc hội); số đại biểu đồng ý: 448 (bằng 92.56%); số đại biểu không đồng ý: 3 (bằng 0.62%); số đại biểu không tham gia ý kiến: 0 (bằng 0.00%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Nội dung 3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Trong quá trình thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu ý kiến. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Thư viện và tán thành với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể sau: Chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện; phân loại thư viện; về một số loại hình thư viện cụ thể (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng, thư viện thuộc cơ sở giáo dục, thư viện chuyên ngành, thư viện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp); về hoạt động của thư viện, như: Cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện, liên thông thư viện và xây dựng thư viện số; việc xếp hạng thư viện và đánh giá hoạt động thư viện; điều kiện, thẩm quyền thành lập thư viện; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện (gồm quyền và nghĩa vụ của thư viện; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện); về trách nhiệm của Chính phủ; các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong hoạt động thư viện thời gian qua; …
Sau khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách mang tính đột phá so với Pháp lệnh Thư viện nhằm phát triển ngành Thư viện Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, sáng tạo của người dân. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, kể cả kỹ thuật văn bản cũng cần được quan tâm, hoàn thiện.
Thứ tư, ngày 12/6/2019, buổi sáng, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín; thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).