Buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến và 4 đại biểu phát biểu tranh luận tại hội trường về dự án Luật. Theo đó, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật như: phạm vi điều chỉnh của luật; giải thích một số từ ngữ; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; việc kê khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; nộp thuế; trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; khoanh nợ; xóa tiền thuế nợ; tiền chậm nộp, tiền phạt; tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế, đại lý hải quan; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Sau khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng, đa số ý kiến của đại biểu đã cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; trong đó, có nhiều ý kiến đại biểu đã đóng góp rất sâu về một số nội dung của dự án Luật như: nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước; quy định về các điều cấm; nội dung khai thuế, tính thuế, ấn định thuế, nộp thuế, xóa tiền thuế; vấn đề kiểm tra, thanh tra thuế và xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, tại phiên thảo luận còn có một số ý kiến góp ý về kỹ thuật văn bản, tính thống nhất của dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Buổi chiều, từ 14 giờ đến 15 giờ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Từ 15 giờ 30 phút chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau: khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng; việc sử dụng một số thuật ngữ trong Luật Tổ chức Chính phủ. Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về: tính khả thi và điều kiện đảm bảo về nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo thực hiện Luật; số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền của chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp; cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân; số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã loại II; thẩm quyền quy định tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo; hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đủ diện tích tự nhiên và quy mô dân số...
Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức: Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cho rằng dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và khắc phục được những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật. Tuy nhiên, để tránh sự chồng chéo khi áp dụng Luật vào cuộc sống, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các luật hiện hành và các dự án luật có liên quan; cần làm rõ các vấn đề liên quan đến tính khả thi và nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo điều kiện thi hành Luật.
Cụ thể: Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, các ý kiến của đại biểu tập trung vào một số nội dung như: đối tượng là công chức; chính sách đối với người có tài năng; phân loại, đánh giá cán bộ, công chức; phân loại công chức, ngạch công chức; tuyển dụng công chức; nâng ngạch công chức; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức (gồm xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu và hình thức kỷ luật “giáng chức”; thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức).
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức, các ý kiến của đại biểu tập trung vào một số nội dung như: việc thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới; đánh giá viên chức; xử lý kỷ luật đối với viên chức (gồm xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu và thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức)...
Thứ bảy, ngày 25/5/2019, các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng. Thứ hai, ngày 27/5/2019, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe và thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.